Tôi lại gặp ông trong hoàn cảnh đặc biệt, ông được “nhận Kỷ niệm chương vì sức khẻ nhân dân” do Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao tặng. Vẫn mái tóc ấy, vẫn khuôn mặt ấy nhưng dáng vẻ, khuôn mặt tiều tụy đi nhiều vì nỗi đau thương con. Người mà tôi muốn nói ở đây là ông: N.X.K (Thái Nguyên) – người cha đã vượt lên nỗi đau khi biết con mình không qua khỏi vì tai nạn giao thông, đã ký vào đơn hiến tạng để cứu các bệnh nhân đang suy mô, tạng khác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho hai gia đình
Ông tâm sự với tôi: “trong tôi buồn vui lẫn lộn, vui vì qua thông tin tạng con tôi được ghép trên thân thể người khác đang khỏe mạnh. Còn buồn thì nhiều lắm cháu ạ”.
Kể từ khi lo an táng cho cậu con trai đầu N.T.T về với đất mẹ, nhà thường xuyên được người thân, bạn xa gần, hàng xóm qua thăm, động viên cũng vơi bớt phần nào sự trống trải trong căn nhà nhỏ bé này, nhưng khi họ về rồi nỗi cô đơn, thương con lại hiện hữu trên khuôn mặt “khắc khổ” này. Tại sao tôi lại dùng từ “khắc khổ” dành cho người cha vĩ đại? Vì mỗi khi ánh mắt ông nhìn xa xăm, nét mặt như muốn khóc vì nhớ con, làn da xám hơn, đầu có nhiều điểm hoa tiêu vì bao ngày thương con. Khác với lần gặp đầu, lần này ông không khóc nhiều như trước, thay vào đó là khoảng trống im lặng giữa cuộc nói chuyện, những câu nói ngắn, nhát ngừng như giấu đi những thẳm sâu của nỗi buồn. Ông không khóc được nữa, có lẽ người cha này không còn nước mắt để khóc, hay nói đúng hơn giờ ông phải mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau quá lớn này, là chỗ dựa cho gia đình…và…
Ông chia sẻ thêm: “nhóm bạn thân của T đến chơi, vẫn nhóm bạn ấy giờ nhìn không thấy con mình đâu, dù trong tôi luôn tâm niệm con mình đang được sống trên thân thể người khác. Nhưng vẫn thấy trống trải, lạc lõng. Cả gia đình tôi cầu mong ở bên kia thế giới xa xôi con vẫn hạnh phúc, mỉm cười khi con ra đi đã làm được việc nhân nghĩa sâu sắc. Cả gia đình tôi đều tin T vẫn sống trên cõi đời này”.
“Trước đây, tôi đã cầm bút ký nhiều giấy tờ, nhưng khi đứng trước tờ đơn tự nguyện hiến mô, tạng của con không may chết não, tôi giằng xé lương tâm. Tôi đã khóc, khóc rất nhiều. Tờ đơn một vài chỗ đã bị nước mắt làm nhòe. Một bên việc nhân nghĩa, một bên là nỗi đau không tin vào sự thật. Khi được các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn việc hiến tạng khi T có dấu hiệu rơi vào tình trạng chết não, thông tin này tôi đã biết, vì qua phương tiện truyền thông đại chúng tôi biết việc nhân nghĩa, việc thiện này. Lúc đó tôi không chấp nhận sự thật quá phũ phàng đến với gia đình. Nhưng dần dần tĩnh tâm tôi nhìn nhận sâu sắc về sự thật. Cuối cùng lý trí đã vượt qua nỗi đau để tôi đặt bút ký”.
Quả thực, ai đứng trước khó khăn này mới hiểu được sự giằng xé tâm gan của người làm cha, làm mẹ. Khi đứng trước biến cố quá lớn đó, có người ngất lịm, có người không đứng vững. Nhưng đối với ông, một người trân trọng cuộc sống, một người có tấm lòng lương thiện, nhân ái, nhân nghĩa đã đưa ra quyết định để cứu sống bệnh nhân suy mô tạng khác đang mong chờ có phép màu đến với họ. Phép màu ấy đã đến khi ông và gia đình quyết định hiến tạng để cứu giúp các bệnh nhân khác. Trái tim cố bệnh nhân T được đập trên thân thể người khác, giác mạc của T đã đem lại ánh sáng cho bệnh nhân khác…Xin cảm ơn ông, cảm ơn gia đình đã tô điểm thêm cuộc sống đa sắc thái này một màu hồng được xen với màu sắc xô bồ khác. Và xã hội hiện nay rất cần, rất cần những tấm lòng “Bồ Tát” giống như gia đình ông để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh đang mòn mỏi chờ đợi kéo dài sự sống vì thiếu tạng để ghép.
{{val.name_comment}} - {{ actions.formatDate(val.created_at) }}
{{ val.comment_content }}
{{ valChild.name_comment }} - {{ actions.formatDate(valChild.created_at) }}
{{ valChild.comment_content }}