Quyết định của người mẹ khiến 5 người “hồi sinh”
Người mẹ ấy là bà Cấn Thị Ngần ở thôn Độ Lâm, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 30 tuổi, bà trở thành một người đàn bà góa bụa. Chồng bà mất trong một tai nạn để lại cho bà 3 đứa con nhỏ với một túp lều rách nát… Để nuôi được các con, bà Ngần làm thuê làm mướn đủ thứ… Sau này, bà ra Hà Nội làm giúp việc cho một gia đình có con nhỏ.
Đang làm việc, bà nhận được tin con trai út là anh Trịnh Đình Vàng bị ngã. Bà đôn đáo chạy đến bệnh viện thì được biết con trai đã chết não. Lúc này, bà vẫn chưa thực sự hiểu câu chuyện sẽ ra sao, chỉ biết cầu mong một phép màu xảy đến để con trai mình tỉnh lại…
Trong lúc ấy, bà được các bác sỹ gọi vào phòng riêng để nói chuyện về việc hiến tạng. Ban đầu, bà phản đối.
Nhưng rồi, câu nói của các bác sỹ cứ luẩn quẩn trong đầu bà suốt hôm đó: “Nếu phần tạng của anh Vàng hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống trong những người khác, anh ấy không vĩnh viễn mất đi, không tan vào tro bụi…”. Bà quyết định làm chuyện “động trời” mà trước đó cả đời không bao giờ bà nghĩ tới. Bà đã nén nỗi đau và ký quyết định đồng ý hiến tạng của con trai mình…
Trái tim, hai quả thận và 2 giác mạc của anh Trịnh Đình Vàng lập tức được ghép cho 3 người trọng bệnhđang cận kề cái chết và 2 người bị hỏng giác mạc.
Mong mỏi tìm lại “con” trong cơ thể những người xa lạ
Khi ký quyết định hiến tạng con, bà Ngần đưa ra một điều kiện là được biết những người nhận tạng. Tuy nhiên, do quy định của luật hiến ghép tạng, các y bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng. Bà Ngần hiểu điều đó nhưng vẫn không nguôi khát khao tìm được những người đã nhận phần thân thể của con mình. Người phụ nữ ấy bắt đầu tự chắp nối các thông tin về những người nhận tạng. Trong lúc đang tìm kiếm, may mắn thay, hai bệnh nhận giác mạc của con trai bà Ngần đã tự lần hỏi và tìm gặp bà. Sau đó, nhờ các mối quan hệ khác nhau, bà Ngần tiếp tục được gặp những người còn lại đã nhận tạng của con mình. Trong số đó, có 1 người lớn tuổi thì gọi bà là “chị”, 4 người còn lại đều tình nguyện gọi bà Ngần là “mẹ”. Bà cho biết, gặp được cả 5 người là bà thỏa nguyện, giờ tuy không còn con trai Trịnh Đình Vàng nhưng 5 người còn lại đều thay nhau gọi điện cho bà mỗi ngày. Họ cùng hẹn ước sẽ cùng lo lắng cho bà và các công việc trong gia đình bà Ngần như chính gia đình của mình.
Cuộc trùng phùng ấm áp
Trước ngày giỗ đầu con trai, bà Ngần đã được những người “con” mới thông tin cả 5 người sẽ cùng về lo làm giỗ cho em và họ cùng nhận là anh em trong một nhà. Nghe thông tin ấy, bà Ngần vừa mừng vừa tủi.
Bà Ngần và 5 người “con” mới
Chúng tôi cũng đã có mặt trong cuộc gặp gỡ ấy của họ. Được gặp gỡ lại “con trai” trong cơ thể của 5 người khác, bà Ngần cứ sụt sùi hết ôm vai người con trai này lại vuốt tóc người con gái kia…rồi lại nhìn lên di ảnh của con trai trên bàn thờ nghi ngút khói hương…
5 người “con” mới của bà Ngần thì cứ quanh quẩn quanh “mẹ”. Họ cũng như bà, lúc mừng lúc tủi…. Giờ họ đều đã có những thân thể khỏe mạnh, sao họ có thể quên ơn người mang lại niềm vui ấy… Chỉ cách đây 1 năm, có những người trong tình trạng “thần chết” đã đứng trực sẵn .
Mẹ Ngần sinh ra tôi một lần nữa
Anh Nguyễn Nam Tiến (38 tuổi, Tuyên Hóa, Quảng Bình) hiện là thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam với nhiệm vụ bám giữ vùng biển Bắc Bộ, Trung Bộ. Anh Tiến phát hiện bị bệnh tim năm 2014. Các bác sĩ đã đặt 1 chiếc máy tạo nhịp tim trong lồng ngực của anh. Tuy nhiên, hơn nửa năm trời, anh không khỏi bệnh mà sức khỏe ngày một giảm sút, từ 58 kg chỉ còn 46 kg. Có nhiều lúc anh không thể thở được, mặt mày tím tái và thường xuyên phải cấp cứu. Bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh chỉ còn rất ít, chỉ có thể tính bằng tháng. Một cách duy nhất để anh sống được đó là ghép tim và quyết định táo bạo của bà Cấn Thị Ngần đã khiến anh có được một trái tim mới.
Anh Tiến tâm sự: “Với tôi, mẹ Ngần như người mẹ thứ 2 của tôi. Lần đầu ra đây gặp mẹ, tôi đã thấy được sự ấm áp. Giờ gắp các anh chị em khác cũng vậy, dường như đã là người một nhà từ lâu rồi. Tôi không thấy khoảng cách nào”.
Tôi đã đăng ký hiến xác cho y học
Người đang mang một quả thận của con trai bà Ngần là chị Trần Thị Hậu – (48 tuổi, Lạng Sơn) – Cách đây 2 năm khi chưa nghỉ hưu, chị làm chuyên ngành thông tin chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Chị Hậu bị suy thận từ 2008, gần 10 năm không thể đi đâu xa một ngày bởi phải gắn liền với chiếc máy chạy thận. Suốt 7 năm trời, ngày nào chị cũng mất gần 2h đồng hồ để truyền dịch lọc thận 4 lần với 8 lít dịch khiến cuộc sống của chị luôn rơi vào tình trạng bế tắc.
Từ khi được ghép thận, chị Hậu sống khỏe mạnh hẳn, không còn phụ thuộc vào máy móc, chị đã có thể tự đi lại bình thường. Với chị, “Mẹ Ngần là một người mẹ anh Hùng”. Và noi theo gương của mẹ Ngần, chị Hậu đã đăng ký hiến toàn bộ cơ thể sau khi chết. Chị bảo: “Giờ nội tạng của tôi không hiến được vì chất lượng không còn tốt nhưng tôi biết các sinh viên y khoa rất cần các cơ thể người thật để thực hành. Điều này tôi đã được sự đồng ý của cả gia đình”.
Giờ chúng tôi là người một nhà, việc của mẹ cũng là việc của chúng tôi
Anh Vũ Xuân Cường (51 tuổi – công tác tại Tỉnh đội tỉnh Sơn La) người đang mang 1 quả thận của con trai bà Ngần cho biết, anh bị thận nhiều năm. Anh Cường từng ra nước ngoài chạy chữa nhưng lại trở về trong vô vọng. Tiếp theo đó, anh phải chạy thận để duy trì cuộc sống: “Tôi phải chạy thận mất đúng 17 tháng. Những ngày đó đau đớn và mệt mỏi vô cùng. Nhiều lúc thất vọng, chán nản. Nhưng sau khi được ghép sức khỏe tôi đã thay đổi hẳn. Giờ chỉ 1 tháng mới phải khám 1 lần. Chi phí thuốc thang cũng không còn nhiều như trước đây. Ơn này tôi luôn dành cho mẹ Ngần và em Vàng. Giờ chúng tôi xác định là gia đình mẹ có việc gì cũng là việc của chúng tôi”.
Bà Ngần và “các con” gặp nhau trong một chương trình truyền hình
Thân thiết như một gia đình thực sự
Người nhận một bên giác mạc nữa của con trai bà Ngần là chị Nguyễn Thị Thụy (51 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội). Cách đây 8 năm, chị Thụy bị đau mắt đỏ và bị biến chứng, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến hỏng 1 bên mắt khiến mắt luôn trong tình trạng đau nhức đến mất ăn mất ngủ. Chị Thụy đã từng đi nhiều nơi nhưng mắt của chị vẫn không thể có cách nào giải quyết vì chỉ có ghép giác mạc mới có thể chấm dứt những cơn đau.
Sau khi nhận giác mạc, chị Thụy đã không còn bị những cơn đau ấy hành hạ. Chị đã tự tìm về nhà bà Ngần. Với chị, gia đình bà Ngần và những người an hem còn lại giờ thực sự thân thiết như những người anh em.
Hai gia đình như một
Anh Nguyễn Xuân Hưng (sinh năm 1989 – Xóm 6 – Hòaí Đức – Hà Nội) là “em út” trong số những người nhận bộ phận cơ thể của anh Vàng. Anh Hưng là người nhận giác mạc còn lại. Bố Hưng mất sớm trong một lần đi làm đồng bị sét đánh để lại 3 con nhỏ cho mẹ Hưng. Hưng sinh ra với đôi mắt bình thường, nhưng càng lớn, mắt càng mờ nhòe. Tới năm 25 tuổi, cả 2 mắt anh đau và ngứa suốt, lúc nào anh cũng chỉ nhìn thấy sương mù dày đặc trước mặt.
Bà Nguyễn Thị Lợi – mẹ Hưng cho biết, bà luôn coi bà Ngần là ân nhân, bà thường xuyên nói chuyện với bà Ngần như một người thân thiết. Ngày giỗ của Vàng, bà Lợi cùng con gái lớn và Hưng đến từ rất sớm…
Ngân Giang