ĐẶT VẤN ĐỀ
Ghép tạng, một trong những thành công lớn của nền y học vào thế kỷ XX, giúp cải thiện và kéo dài cuộc sống của hàng trăm nghìn người bệnh trên toàn thế giới mỗi năm [1] Rất nhiều tiến bộ về mặt lâm sàng và khoa học của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm huyết với nghề, cũng như vô vàn nghĩa cử nhân đạo của những người hiến tặng mô, tạng và thân nhân của họ, đã làm cho lĩnh vực ghép tạng không đơn thuần chỉ là một liệu pháp điều trị cứu mạng con người mà còn là một biểu tượng sáng trong sự đoàn kết chung của toàn nhân loại. Tuy nhiên, những thành tựu này đang dần bị phai mờ đi bởi nạn mua bán người, mua bán nội tạng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy này là do sự khan hiếm nguồn tạng ghép. Những người bệnh bị suy mô tạng họ có thể không được ghi tên vào danh sách chờ ghép tạng quốc gia hoặc tệ hơn họ có thể chết trong thời gian chờ đợi để có được nguồn tạng ghép. Tại Canada, các nghiên cứu ước tính rằng thời gian chờ đợi trung bình để được ghép thận của người bệnh là 4 năm, ở Mỹ là 3,6 năm, tại Vương quốc Anh là từ 2 đến 3 năm nhưng có thể lâu hơn [2], [3], [4]. Trung bình mỗi ngày có khoảng 12 người bệnh ở châu Âu, 18 người bệnh ở Mỹ chết khi đang chờ ghép tạng. Chính sự tuyệt vọng này của người bệnh là nguyên nhân dẫn tới sự hình thành nhiều hình thức môi giới, mua bán nội tạng khác nhau, khi đó các mô, tạng (từ người sống hoặc người chết) được mua và bán, trao đổi, thậm chí là mua bán người vì mục đích lấy nội tạng, những người bệnh giàu có du lịch sang nước ngoài để ghép tạng từ những người dễ bị tổn thương (như người mù chữ, người nghèo khổ, người nhập cư không có giấy tờ, tù nhân, người tị nạn chính trị hoặc kinh tế) [5], [6], [7].
Báo cáo đầu tiên trên thế giới về vấn đề thương mại hóa trong lĩnh vực ghép tạng xuất hiện từ những năm 1980 khi thận của người dân nghèo Ấn Độ được bán cho người bệnh suy tạng người nước ngoài, trong đó 80% các ca ghép thận được thực hiện tại các trung tâm ghép của Ấn Độ, những người bệnh được ghép thận chủ yếu đến từ các nước vùng Trung Đông, Malaysia, Singapore… [6],[8]. Đến nay, trải quan gần bốn thập kỷ, khi nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực ghép tạng ngày càng tăng và khi vấn đề mua bán nội tạng người và du lịch ghép tạng trở thành một vấn đề toàn cầu đe dọa đến những thành tựu đã đạt được của ngành ghép tạng thế giới trong nhiều năm qua thì vấn đề đạo đức và luật pháp trong thực hành ghép tạng đã và đang tiếp tục được các tổ chức quốc tế nghiên cứu và phát triển nhằm ngăn chặn tối đa hoạt động thương mại hóa mua bán nội tạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hiện nay như “Tuyên bố về chống mua bán tạng người ở người sống” của Cơ quan Y tế thế giới (WMA) năm 1985 hay “Nguyên tắc thực hành trong hoạt động hiến ghép mô, tạng người” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 1991 [9], [10]. Năm 2008, , Hội ghép tạng thế giới (TTS) và Hội Thận học Quốc tế (ISN) đã họp và thống nhất đưa ra một tuyên bố chung đó là “Tuyên bố Istanbul về chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng”, đây không phải là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý hoặc một công cụ thực thi pháp luật, nhưng về cơ bản đây là một Tuyên bố nhằm lên án đối với những thực hành vi phạm sự công khai, công bằng và nhân phẩm của con người, Tuyên bố đưa ra những hướng dẫn thực hành chuyên môn cho các y bác sĩ và các tổ chức chăm sóc sức khỏe, Tuyên bố cũng cung cấp một tập hợp các nguyên tắc đạo đức để quản lý việc hiến tạng và ghép tạng nói chung, cũng như các đề xuất nhằm ngăn chặn nạn mua bán nội tạng trên toàn thế giới.
Bài viết này nhằm giới thiệu các nội dung được đề cập đến trong Tuyên bố Istanbul về chống mua bán tạng và du lịch ghép tạng, từ đó đưa ra một số định hướng áp dụng trong hoạt động hiến, ghép tạng và phòng chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng tại Việt Nam hiện nay.
TÍNH CẤP THIẾT
Trên thế giới
Theo Tổ chức liêm chính tài chính toàn cầu (GFI) ước tính khoảng 10% các tạng được ghép bao gồm phổi, tim, gan là có nguồn gốc bất hợp pháp và thận là tạng ghép có nguồn gốc bất hợp pháp nhiều nhất [7], [11]. Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy hàng năm có khoảng 10.000 ca ghép thận với mục đích thương mại được thực hiện, tức mỗi giờ trôi đi là có hơn một ca ghép thận bất hợp pháp, lợi nhuận đem lại hàng năm cho nhóm tội phạm là khoảng 840 triệu đến 1,7 tỷ USD [12]. Số lượng các ca ghép tạng trái phép ngày càng tăng lên đáng kể và đang có xu hướng chuyển từ các nước trước đây là trung tâm mua bán tạng như Pakistan, Philipin, Israel, Ấn độ, Trung Quốc đến các quốc gia mới như Costa Rica, Colombia, Ai Cập, Việt Nam và Lebanon [6]. Các báo cáo của Liên hợp quốc cho biết thủ đoạn của nhóm tội phạm tổ chức môi giới, mua bán nội tạng ngày càng tinh vi do được thực hiện bởi mạng lưới các đường dây có tính tổ chức cao. Một số đường dây mua bán nội tạng sau khi bị phát hiện cho biết đã tổ chức thành công hơn 500 ca ghép thận trong vòng 7 năm trước khi bị bắt. Các hình thức bao gồm cả môi giới ghép tạng trong nước và cả du lịch ghép tạng. Nhiều khâu chuẩn bị tinh vi đã được lên kế hoạch chuẩn bị như: chuẩn bị giấy tờ xuất nhập cảnh, phiên dịch, làm giả giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người cho và người nhận, kiểm tra y tế để đảm bảo sự tương thích về các chỉ số sinh học, sắp xếp người bệnh đến bệnh viện địa phương nơi có người hiến tạng để tiến hành phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật…Những nạn nhân trong các đường dây mua bán nội tạng thường là những người lao động nông thôn thất nghiệp hoặc những người vô gia cư, họ bị lừa dối rằng việc bán một quả thận là cách duy nhất để giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói. Một số trường hợp khác nhóm tội phạm nhắm vào các đối tượng khó khăn khác như những người từ các trại tị nạn với những lời hứa sẽ cho họ một khoản tiền và/hoặc cho họ cuộc sống mới an toàn hơn sau khi họ bán tạng, hoặc chúng lợi dụng những người dân có trình độ học vấn kém để nói rằng sau khi họ hiến đi một quả thận thì một quả thận khác sẽ được sinh ra, hoặc là thật bất thường khi tồn tại hai quả thận trong một cơ thể người [6], [7]. Những người bán tạng họ hầu như phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe và xã hội. Nhiều trường hợp nạn nhân không được nhận một khoản tiền nào từ việc bán thận, sức khỏe suy giảm, đau đớn do biến chứng sau mổ mà không được chăm sóc, hậu quả là họ bị mất việc làm, tái nợ và nghèo nàn tiếp diễn [13]. Một số báo cáo khác cho thấy, những người bán tạng họ cảm thấy xấu hổ, bị trầm cảm và bị xã hội kỳ thị [14]. Có những nạn nhân họ nhận thấy rằng hành vi bán tạng của họ là trái pháp luật nên họ không dám đến các cơ quan chức năng để báo cáo. Nhiều trường hợp khác họ bị những kẻ buôn người, buôn nội tạng đe dọa, ngăn cản không cho họ khiếu nại, tố cáo. Còn đối với những người nhận ghép tạng trái phép, do không được đảm bảo các tiêu chuẩn về mặt y học trong quá trình ghép nên họ cũng gặp phải nhiều biến chứng sau ghép đã được báo cáo như: thoát vị sau phẫu thuật, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng do lây nhiễm từ người cho tạng (HIV, viêm gan B, C, CMV, nấm), nhồi máu, tiểu đường, thải ghép cấp tính, mãn tính, thậm chí là tử vong…Người mua tạng họ cũng là một nạn nhân trong đường dây mua bán nội tạng nhưng nhìn chung sự khó khăn và đau khổ của họ không thể so sánh được với những người bị lừa bán tạng.
Tại Việt Nam
Ngành ghép tạng Việt Nam quan tâm rất sớm từ cuối những thập niên 60 của Thế kỷ trước nhưng do hoàn cảnh chiến tranh và nhiều khó khăn khác nên ngành ghép tạng vẫn là ước mơ của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam trong nhiều thập niên. Vì thế mà ngành ghép tạng của nước ta đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Năm 1992 đánh dấu thành công đầu tiên bởi ca ghép thận từ người hiến sống của các y bác sĩ bệnh viện Quân y 103. Cho đến nay sau 26 năm hoạt động (1992-2018) số lượng ca ghép tạng được đã thực hiện thành công là 3.697 ca. Trong đó ghép tạng từ người cho sống là chủ yếu chiếm trên 93,7%, chỉ 6,3% các ca ghép là từ người cho tạng chết não [15]. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội vào tháng 12 năm 2016 một khảo sát của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho thấy có hơn 2.200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có nhu cầu cần được ghép thận. Nếu tính cả những người bệnh cần ghép các tạng khác như tim, gan, tụy, ruột…thì nhu cầu cần ghép tạng của người dân Việt Nam là rất lớn trong khi nguồn tạng hiến lại rất ít. Chính thực tế này đã phát sinh tình trạng mua bán tạng ngày càng nghiêm trọng ở nước ta hiện nay. Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Việt Nam cho biết tình trạng mua bán tạng ở nước ta có chiều hướng gia tăng và diễn ra càng nghiêm trọng, dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau, nhiều đường dây điển hình như: Ngày 15/10/2018, Phòng Cảnh sát hình sự thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can Trần Văn Phương (29 tuổi) cầm đầu đường dây môi giới, mua bán nội tạng lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Đối tượng này đã thực hiện trót lọt 3 vụ mua, bán thận với số tiền hưởng lợi lên tới hàng trăm triệu đồng [16]. Ngày 4/12/2018, Công an quận Long Biên đã phát hiện 8 người đang tạm trú tại nhà trọ số 63/66 Ngọc Lâm để chuẩn bị đi bán thận. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Đức Thắng đã khai nhận môi giới thành công 15 ca ghép thận. Thủ đoạn của hắn là hướng dẫn người có nhu cầu bán thận làm các giấy tờ, thủ tục và đưa vào Bệnh viện để khám tổng thể. Giá bán 1 quả thận từ 200 - 230 triệu đồng, tuy nhiên người bệnh cần ghép thận sẽ phải mua với giá từ 260 - 310 triệu đồng, số tiền chênh lệch Thắng chiếm hưởng [17]. Đặc biệt đầu năm 2019, một đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia lớn nhất hiện nay được triệt phá. Đối tượng cầm đầu là Tôn Nữ Thị Huyền, 44 tuổi, thực hiện thủ đoạn tiếp cận, dụ dỗ các nạn nhân là những người khó khăn về tài chính, người có người thân bị bệnh tật, thậm chí cả đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao…Khi nạn nhân đồng ý bán thận, Huyền và đồng bọn sẽ nuôi dưỡng, đưa đi khám tổng quát ở bệnh viện, phòng khám…khi có người tìm mua thận phù hợp thì chúng đưa nạn nhân qua nước ngoài bằng đường tiểu ngạch để thực hiện việc mua, bán và ghép thận. Các nạn nhân bán thận được lo toàn bộ chi phí, ăn uống trong thời kỳ chờ giao dịch, đi lại. Người nước ngoài mua thận để ghép vào cơ thể phải chi trả khoảng tiền cực lớn từ 1,5-2 tỷ đồng. Như vậy, những khoản tiền này qua nhiều cấp môi giới, khi đến tay người bán thận chỉ còn khoảng 200 triệu đồng [18]….Thực tế trên cho thấy mặc dù luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác” được Quốc hội thông qua từ năm 2006 [19]; Điều 34 - Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định các mức xử phạt đối với các đối tượng vi phạm các quy định về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác [20]; Điều 154 - Bộ luật hình sự cũng đã quy định cụ thể tội danh “mua, bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” thế nhưng những tổ chức môi giới, mua bán nội tạng trong nước vẫn lợi dụng những khe hở của pháp luật, thậm chí bất chấp pháp luật để chuộc lợi từ mua bán tạng trái phép [21]. Nhà nước ta cần có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng đang bùng phát hiện nay, làm sao để lĩnh vực ghép tạng trong nước và quốc tế vẫn duy trì được những thành tựu đẹp vốn có của nó.
TUYÊN BỐ ISTANBUL VỀ CHỐNG MUA BÁN NỘI TẠNG VÀ DU LỊCH GHÉP TẠNG
Tháng 4/2008 bản Tuyên bố Istanbul về chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng được xuất bản lần đầu tiên sau Hội nghị thượng đỉnh do Hội Ghép Tạng (TTS) và Hội Thận học Quốc tế (ISN) triệu tập tại thành phố Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, để đáp lại những lo ngại về nạn mua bán nội tạng quốc tế. Mặc dù đây không phải là một điều ước quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thế nhưng Tuyên bố Istanbul cũng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến khung pháp lý và các thực hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực ghép tạng nói riêng và ngành y tế nói chung ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bản Tuyên bố này được lập ra dựa trên các nguyên tắc của Bản Tuyên bố Quốc Tế về Nhân Quyền, nhằm đại diện cho cộng đồng ghép tạng Quốc tế chống lại các hành vi vi phạm các quyền cơ bản đối với những người yếu thế trong xã hội và những hành vi làm phai mờ đi những thành tựu mà ngành ghép tạng đã đạt được từ trước đến nay. Đến nay đã có hơn 135 hội chuyên ngành ghép tạng từ nhiều nước trên thế giới chính thức ủng hộ Tuyên bố này [22]. Nhóm giám sát Tuyên bố Istanbul (DICG) được thành lập sau khi Tuyên bố ra đời, là một nhóm các chuyên gia và học giả quốc tế hợp tác chặt chẽ với Hội ghép tạng (TTS) và Hội Thận học Quốc tế (ISN), nhằm khuyến khích và hỗ trợ thực hiện các nguyên tắc của Tuyên bố Istanbul trên toàn thế giới. Trong 5 năm đầu tiên kể từ khi thành lập, DICG đã giúp một số quốc gia trong việc khởi xướng và thực hiện các thay đổi lớn trong chính sách pháp luật về hiến, ghép tạng như: nhà nước Pakistan đã ban hành luật mới về hiến, ghép tạng năm 2010 [23]; Năm 2008, Chính phủ Ấn Độ sửa đổi luật hiến, ghép tạng người, đề ra cơ chế thúc đẩy hiến, ghép tạng từ người cho chết, đồng thời chấm dứt hiệu quả việc thương mại hóa trong ghép tạng [24]; Philippin ban hành lệnh cấm người bệnh nước ngoài nhận tạng từ người hiến Philippin lần đầu vào năm 2008, sau đó luật chống mua bán nội tạng người có hiệu lực vào tháng 6/2009 [25]. Kết quả là số lượng người nước ngoài du lịch sang Philippin ghép tạng giảm từ 531 ca trong năm 2007 xuống còn 2 ca vào năm 2011 và số ca ghép tạng từ người cho chết đã tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian đó [26]; Tại Israel năm 2008 chính phủ đã thông qua bộ luật ghép tạng mới, nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng, đưa ra các hình phạt nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm [27]…
Năm 2017, DICG đã thành lập ban làm việc quốc tế để cập nhật lại các định nghĩa và nguyên tắc trong Tuyên bố Istanbul, dựa trên cơ sở của những phát triển về lâm sàng, pháp lý và xã hội trong lĩnh vực ghép tạng suốt một thập kỷ qua. Ngày 1/7/2018, ấn bản mới của Tuyên bố Istanbul đã được trình bày tại thành phố Madrid nhân dịp DICG tổ chức kỷ niệm 10 năm ra đời Tuyên bố Istanbul, đây như là một phần của Đại hội Quốc tế lần thứ 27 của Hội ghép tạng thế giới (TTS). So với ấn bản năm 2008 thì ấn bản năm 2018 được trình bày ngắn gọn hơn, các khái niệm cũng được giải thích ngắn gọn hơn giúp các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách sử dụng nó như một điểm tham chiếu đạo đức để phát triển các hướng dẫn hoặc chính sách, luật pháp liên quan. Dưới đây chúng tôi xin được trích dẫn bản dịch thuật sang tiếng Việt toàn văn của Tuyên bố Istanbul năm 2018 như sau [5], [22]:
Các định nghĩa
Mua bán nội tạng bao gồm tất cả các hoạt động sau:
- Lấy nội tạng từ người hiến tặng sống hoặc đã chết mà không có sự đồng ý hoặc ủy quyền hợp lệ hoặc để đổi lấy lợi ích tài chính với người hiến và/hoặc người thứ ba;
- Bất kỳ hoạt động vận chuyển tạng, thao tác trên tạng, ghép tạng hoặc sử dụng khác trên các nội tạng đó;
- Cung cấp bất kỳ lợi thế quá mức nào, hoặc yêu cầu cùng một chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nhân viên công vụ, hoặc nhân viên của một tổ chức tư nhân để tạo điều kiện hoặc thực hiện những việc như loại bỏ hoặc lấy sử dụng;
- Mời gọi hoặc chiêu dụ người hiến tạng hoặc người nhận tạng, để thực hiện mục tiêu lợi ích tài chính hoặc vì lợi thế so sánh; hoặc là cố gắng hứa hẹn, hoặc trợ giúp hoặc tiếp tay lấy hoa hồng, bất kỳ hành động nào trong số này.
Mua bán người vì mục đích lấy nội tạng
Là việc chiêu dụ, vận chuyển, chuyển nhượng, nuôi dưỡng hoặc nhận người, bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức khác như ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa đảo, lạm dụng quyền lực hoặc ép vào vị thế dễ bị tổn thương, hoặc vào việc cho hay nhận các khoản thanh toán hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với một người khác, tất cả vì mục đích lấy nội tạng. Trong bối cảnh của Tuyên bố này, thuật ngữ người thường trú (resident) có nghĩa là người sinh sống là làm việc trong một quốc gia, là hoặc không phải là công dân; thuật ngữ không thường trú (non-resident) biểu thị tất cả những người không phải là cư dân thường trú, kể cả những người đi du lịch, và sau đó cư trú tạm thời trong một quốc gia với mục đích có được tạng ghép.
Du lịch để ghép tạng
Là sự di chuyển của những người qua biên giới pháp lý nhằm mục đích ghép tạng. Du lịch để ghép tạng trở thành du lịch ghép tạng phi đạo đức, nếu nó liên quan đến mua bán người vì mục đích lấy nội tạng hoặc mua bán nội tạng người, hoặc nếu các nguồn lực (cơ quan, chuyên gia và trung tâm cấy ghép) cung cấp tạng ghép cho người bệnh không thường trú, sẽ làm suy yếu khả năng cung cấp dịch vụ ghép tạng cho dân trong đất nước của họ. Trong bối cảnh của Tuyên bố này, thuật ngữ thẩm quyền pháp lý (jurisdiction) bao gồm không chỉ các quốc gia mà còn nêu rõ, cũng là các bang, các tỉnh, các khu vực được xác định chính thức khác trong nước và các pháp nhân trong khu vực hoặc quốc gia khác có thẩm quyền điều chỉnh hiến tạng và ghép tạng.
Tính tự cung-tự cấp trong hiến và ghép tạng
Có nghĩa là đáp ứng nhu cầu ghép tạng của một quốc gia bằng cách sử dụng dịch vụ hiến, ghép tạng từ nguồn tạng hiến được cung cấp trong nước và nội tạng do người dân của họ hiến tặng, hoặc chia sẻ nguồn tạng hiến quốc gia với các nước khác trong khu vực pháp lý.
Tính trung lập về tài chính trong hiến tạng
Có nghĩa là người hiến tạng và gia đình của họ không bị mất tiền và đồng thời cũng không được nhận tiền từ việc hiến tạng.
Các nguyên tắc thực hành
- Chính phủ cần xây dựng và thực hiện các chương trình tuyên truyền đạo đức và lâm sàng để phòng ngừa và điều trị các bệnh suy tạng, phù hợp và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của các quần thể trong nước.
- Các dịch vụ chăm sóc tối ưu cho người hiến tạng và người bệnh được ghép tạng phải là mục tiêu chính của chính sách và chương trình ghép tạng.
- Mua bán nội tạng và mua bán người vì mục đích lấy nội tạng phải bị nghiêm cấm và bị phạt hình sự.
- Việc hiến tặng nội tạng phải là một hành động trung lập về mặt tài chính.
- Mỗi quốc gia hoặc khu vực pháp lý cần xây dựng, thực thi luật pháp và điều hành việc hồi phục nội tạng từ những người hiến tặng đã chết, người hiến còn sống trong thực hành ghép tạng, sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Rằng 'sự đồng ý' của nạn nhân buôn người là không liên quan trong bất kỳ ý nghĩa nào được nêu trong định nghĩa đã được sử dụng. Trong bối cảnh của Tuyên bố này, thuật ngữ thẩm quyền pháp lý bao gồm không những chỉ các quốc gia mà còn nêu rõ là các bang, các tỉnh, các khu vực xác định khác trong nước và các pháp nhân trong khu vực hoặc quốc gia khác có thẩm quyền điều chỉnh các vấn đề trong hiến, ghép tạng.
- Cơ quan được ủy thác ở từng khu vực pháp lý phải giám sát và chịu trách nhiệm về việc hiến tặng, phân phối và ghép tạng để đảm bảo tiêu chuẩn hóa, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch, chất lượng, an toàn, công bằng và có sự tin tưởng của công chúng.
- Tất cả người dân của một quốc gia phải có quyền tiếp cận công bằng với các dịch vụ hiến, ghép tạng và các tạng ghép được lấy từ những người hiến tặng đã chết.
- Tạng để ghép cần phải được phân bổ một cách công bằng trong quốc gia hoặc khu vực pháp lý, phù hợp với quy tắc khách quan, không phân biệt đối xử, có thể biện minh và theo các nguyên tắc minh bạch, được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn lâm sàng và các chuẩn mực đạo đức.
- Các chuyên gia y tế và các cơ sở y tế cần phải hỗ trợ trong việc ngăn chặn và giải quyết nạn mua bán nội tạng, mua bán người vì mục đích lấy nội tạng và du lịch ghép tạng.
- Các chính phủ và các chuyên gia y tế cần phải thực hiện các chiến lược để làm nản lòng và ngăn chặn người dân của đất nước họ tham gia vào việc du lịch ghép tạng.
- Các quốc gia nên cố gắng đạt được sự tự cung tự cấp trong hiến và ghép tạng.
BÀN LUẬN GIẢI PHÁP ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN TẠNG VÀ DU LỊCH GHÉP TẠNG
Mua bán nội tạng người là bất hợp pháp, tuy nhiên hoạt động này vẫn diễn ra ở nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Một câu hỏi đặt ra là liệu có nên hợp pháp hóa việc mua bán nội tạng để dễ quản lý cũng như giải quyết sự thiếu hụt nguồn tạng ghép quá lớn hay không? Cho đến nay, Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép hợp pháp hóa mua bán tạng người. Tuy nhiên, Iran cũng hạn chế việc mua bán dưới dạng thương mại như một cách chống lại nạn du lịch ghép tạng. Theo đó, chỉ những người cùng quốc tịch Iran mới có thể mua, bán tạng của nhau. Việc mua bán thận phần lớn là từ thiện, dựa trên tính tự nguyện, những người làm nhiệm vụ cầu nối giữa người hiến và người nhận không được trả lương. Hội từ thiện hỗ trợ người bệnh thận (The Charity Association for the Support of Kidney Patients - CASKP) và Tổ chức từ thiện cho các người bệnh mắc bệnh đặc biệt (The Charity Foundation for Special Diseases - CFSD) giúp chính phủ Iran kiểm soát việc mua bán nội tạng. Các tổ chức phi lợi nhuận kết nối các cặp ghép với nhau, làm các xét nghiệm đảm bảo tính tương thích giữa người cho và người nhận. Những người đã hiến tạng sẽ được nhận bồi thường tín dụng thuế từ chính phủ, được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe miễn phí, được tiếp cận với những cơ hội việc làm và được nhận khoản thanh toán trực tiếp từ người nhận tạng với mức giá trung bình là 1.200 đô la [28], [29]. Các tổ chức từ thiện ngoài ra cũng hỗ trợ cho những người nhận tạng không có khả năng chi trả cho cuộc phẫu thuật ghép tạng [30]. Nhìn chung những người ủng hộ việc hợp pháp hóa mua bán nội tạng đã đánh giá mô hình của Iran là hiệu quả và an toàn, giúp xóa bỏ thời gian chờ đợi tạng ghép và chống được nạn du lịch ghép tạng. Còn đối với những người phản đối thì cho rằng chính sách này của Iran không hoàn hảo như vẻ bề ngoài của nó, đã có những bằng chứng cho thấy danh sách chờ ghép tạng không bị xóa bỏ và sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội tại Iran trở thành vấn đề lớn khi 70% những người hiến tạng là những người nghèo theo tiêu chuẩn phân loại của Iran [29], [31]. Một nghiên cứu cho biết những người dân Iran đã hiến tạng họ phải gánh chịu nhiều hậu quả về sức khỏe và xã hội, chính phủ Iran không có chính sách theo dõi sức khỏe ngắn hạn hay dài hạn cho người hiến tạng này [32].
Những mâu thuẫn, tranh cãi trên cho thấy vấn đề có nên hợp pháp hóa việc mua bán ghép tạng hay không tiếp tục vẫn đang là chủ đề tranh luận trong giới học thuật toàn cầu. Tại Việt Nam vấn đề này cũng đã được đưa ra cùng thảo luận tại Hội nghị ghép tạng Việt Nam diễn ra ở Ninh Bình ngày 19/10/2018, theo đó giả thiết “muốn giải quyết thực trạng khó khăn trong ngành ghép tạng của nước ta hiện nay thì có nên áp dụng phương án hợp pháp hóa việc mua bán tạng tại Việt Nam hay không” [33]. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia tham gia hội nghị đều không đồng tình với chủ chương hợp pháp hóa mua bán tạng nêu trên. Giáo sư Trần Ngọc Sinh - Phó chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam đưa ra quan điểm không đồng tình vì lý do chủ trương thương mại hóa mua bán nội tạng nhắm đến những người dễ bị tổn thương như người mù chữ và nghèo khổ, phụ nữ, trẻ em, những người nhập cư không có giấy tờ [34]. Đối tượng tham gia mua bán tạng gồm nhiều thành phần như người nhận, người cho, người môi giới, thậm chí chính các y bác sĩ, họ có lý lẽ riêng của họ, khi cho rằng cần có tiền để giải quyết công việc bên cho và bên nhận. Bên mua thận cho rằng việc mua bán có thể giúp người bệnh có ngay nguồn tạng để ghép, người bán tạng vẫn sống và có tiền để cải thiện cuộc sống. Người bán thận thì cho rằng hiến thận nhân đạo cho người không quen mà không nhận lợi ích gì là vô lý. Với người môi giới, họ "giúp đỡ" người bệnh và người cho vốn đang gặp khó nên phải có chi phí. Y bác sĩ nhân danh trách nhiệm đối với sinh mạng người bệnh, phải tìm cách cứu người bệnh bằng mọi giá, việc mua bán là ngoài chuyên môn nên không quan tâm. Mua bán tạng có thể khiến người nhận tạng cố làm mọi cách để được ghép, chất lượng chuyên môn y tế bị "gò ép", gây nguy hại đến sinh mạng người bệnh. Người bán tạng không được chăm sóc sức khỏe và không được tư vấn chuyên môn về những mặt lợi, hại của phẫu thuật lấy thận. Người môi giới thường ham lợi hơn là lòng nhân đạo, nên thường chiếm phần lớn số tiền bán tạng. "Nghề y thực hiện chức năng nhân đạo, nếu mua bán tạng là việc làm vô nhân đạo, sao y bác sĩ lại đồng ý tiếp tay vì lý lẽ cứu người. Y giới chịu trách nhiệm cao nhất về sinh mạng người bệnh nhưng cũng cần phải chịu trách nhiệm cao nhất về đạo đức hiến tạng" Giáo sư Sinh nhấn mạnh. Cùng quan điểm với Giáo sư Sinh, Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy phân tích, hiến tạng là việc làm nhân đạo, giải pháp chính thống để tăng số người đồng thuận hiến tạng. Tạng phủ không phải là hàng hóa, tiền không thể nào định giá các bộ phận cơ thể người. Thực chất người cho tạng bị bóc lột, lừa gạt, xúc phạm nhân phẩm khi bán đi phần thân thể của mình. Khi suy thận, nếu không ghép thận được người bệnh có thể lọc máu. Ghép thận giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn, nhưng không vì vậy mà hại người khác, thường là những người cùng cực nhất của xã hội. Tiến sĩ Thu chia sẻ, trên thế giới chưa có báo cáo nào thành công với giải pháp thương mại hóa ghép tạng. Không nên chỉ nghĩ đến số lượng ca ghép có thể thực hiện được mà hãy nghĩ đến làm thế nào để an toàn cho cả người hiến và người nhận, bảo đảm y đức, đạo đức xã hội và không vi phạm pháp luật [35]. Cũng tại phiên thảo luận này, ngoài những ý kiến tham luận của các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng còn có những góp ý của các nhà báo, phóng viên những người có kinh nghiệm nhiều năm viết bài, làm phóng sự liên quan đến lĩnh vực ghép tạng. Trong bài báo cáo của mình, nhà báo Phạm Ngọc Thanh Tâm chia sẻ cái nhìn của truyền thông về hiến tạng cứu người như câu chuyện về bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc cứu người và những câu chuyện nhân văn khác cho thấy rằng trên đất nước này vẫn còn có rất nhiều người như bé Hải An, họ sẵn sàng hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu sống những người bệnh kém may mắn khác, bởi vì họ quan niệm rằng “cho đi hạnh phúc hơn là nhận lại” [36]. Con số này thể hiện ở số lượng người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời trên cả nước đang càng ngày càng tăng, nhiều gia đình tất cả các thành viên trong gia đình họ đều đồng ý đăng ký hiến tạng sau qua đời. Nhà báo Phan Hoài Nhơn kể lại câu chuyện của chính bản thân mình khi trực tiếp thâm nhập vào đường dây mua bán tạng để thấy được những thủ đoạn tinh vi của những cò mồi. Nhà báo quan ngại rằng đây mới chỉ là một trong số những đường dây môi giới nội tạng bị phát giác, đằng sau đó còn rất nhiều cò lái đang hoạt động, tất cả chúng ta cần chung sức hành động để ngăn chặn những việc làm trái pháp luật này [37]… Như vậy, hầu hết các ý kiến đưa ra đều không đồng tình với việc hợp pháp hóa mua bán nội tạng ở Việt Nam. Bên cạnh hành lang pháp lý nghiêm minh, nước ta cần chung tay với cộng đồng trong nước và quốc tế để ngăn chặn nạn mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, làm sao để ngành ghép tạng được phát triển và đem lại nhiều hơn nữa cơ hội sống nhiều hơn nữa cho những người bệnh suy tạng giai đoạn cuối.
KẾT LUẬN
Như đã nêu trong bài viết này, mặc dù Tuyên bố Istanbul không phải là một điều ước quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thế nhưng Tuyên bố Istanbul cũng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến khung pháp lý và các thực hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực ghép tạng nói riêng và ngành y tế nói chung ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối chiếu với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, cũng như hệ thống pháp luật hiện hành về quyền con người đặt ra nhu cầu bức thiết cho Việt Nam trong việc cần nghiên cứu một cách thấu đáo về nội dung và ý nghĩa của Tuyên bố Istanbul để trên cơ sở đó đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế về việc xem xét, hưởng ứng và thực hiện những nội dung của Tuyên bố Istanbul trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như trong hoạt động chuyên môn y tế.
Khuyến nghị trước mắt: Bộ Y tế, các cơ sở y tế, Hội ghép tạng Việt Nam cần phổ biến nội dung của Tuyên bố Istanbul cho toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế, các cơ sở y tế, Hội Ghép tạng Việt Nam có thể đưa thông điệp hưởng ứng Tuyên bố Istanbul bằng cách đăng hình ảnh, logo, nội dung của Tuyên bố Istanbul tại website của từng đơn vị mình.
Khuyến nghị lâu dài:
-
- Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, Ban, Ngành, các tổ chức có liên quan cần xây dựng được một cơ cấu chuyên nghiệp và hợp pháp để điều tiết các hoạt động hiến, ghép mô/tạng, cũng như cần xây dựng một hệ thống giám sát và quản lý minh bạch để đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành trong hoạt động hiến, ghép mô/tạng.
- Việc tham gia một cộng đồng chung quốc tế về phòng chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng là cần thiết. Cụ thể là việc tham gia, cam kết ủng hộ Tuyên bố Istanbul, theo đó: Bộ Y tế, Hội ghép tạng Việt Nam hay các đơn vị tổ chức lấy, ghép mô/tạng có văn bản dưới hình thức một bức thư gửi tới Ban chỉ đạo của nhóm giám sát Tuyên bố Istanbul (DICG) bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia, cam kết ủng hộ, tuân thủ theo những nguyên tắc mà Tuyên bố Istanbul đã đề ra. Từ đó người dân Việt Nam nói chung và những người hoạt động trong ngành y tế, đặc biệt những y bác sĩ trực tiếp công tác trong ngành ghép tạng nói riêng cần tuân thủ nghiêm chỉnh những nguyên tắc đề ra trong Tuyên bố Istanbul và tuân thủ luật pháp quốc tế về hiến, ghép tạng. Những trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Nghiên cứu nội dung Tuyên bố Istanbul đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hiến, ghép mô/tạng phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước cũng như quy chuẩn chung của luật pháp quốc tế và quy định rõ các hình thức vi phạm và biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm.
- Xây dựng mạng lưới điều phối ghép tạng Quốc gia và Danh sách chờ ghép tạng Quốc gia với vai trò quản lý của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động hiến, ghép tạng
- Phát triển ghép tạng chéo và ghép tạng từ người cho chết/chết não ở Việt Nam.
- Công khai giá ghép với từng loại tạng, bảo hiểm y tế cần vào cuộc và có chính sách hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng cho người bệnh.
- Tăng cường truyền thông, giáo lan rộng ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tạng cứu người, đây là giải pháp bền vững, lâu dài, thể hiện giá trị nhân văn tốt đẹp.
- Phát triển hệ thống Y tế Dự phòng, nâng cao ý thức phòng chống bệnh tật cho từng người dân nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời những trường hợp mắc bệnh, giảm số lượng người bệnh suy mô/tạng giai đoạn cuối tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Global Organ Transplant Activities in 2015. Data from the Global Observatory on Donation and Transplantation (GODT), Carmona Mar, et al - Transplantation: August 2017.
- Organ Donation", The Kid"ney Foundation of Canada.
- "Organ Donation and Transplantation Statistics", National Kidney Foundation.
- “Waiting list”, National Health Service England, October 14, 2015.
- Tuyên bố Istanbul về mua bán tạng và ghép tạng du lịch (phiên bản 2018), Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, Hội nghị ghép tạng 10/2018.
- Trafficking in human organs, Policy Department, Directorate-General for External Policies, 2015.
- Global report on trafficking in person 2018, United Nations Office on Drugs and Crime.
- Price, D, Legal and ethical aspects of organ transplantation, Cambridge Press, 2000.
- WMA, Statement on Live Organ Trade, 1985
- WHO, World Health Assembly. Resolution WHA42.5 on ‘preventing the purchase and sale of human organs’, and Resolution WHA44.5 on ‘Guiding principles on human organ transplantation’, 1991.
- “Transnational Crime and the Developing World”, Global Financial Integrity, March 2017.
- Denis Campbell and Nicola Davison, “Illegal kidney trade booms as new organ is sold ‘every hour”, The Guardian, May 27, 2012.
- Goyal M., Mehta RL. et al., “Economic and health consequences of selling a kidney in India”, J Am Med Assoc 2002; 288: 1589-93.
- Lundin S., Organ economy: “Organ trafficking in Moldova and Israel”, Public Underst Sci. 2012; 21: 226-41.
- Số liệu thống kê từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
- https://anninhthudo.vn/phap-luat/canh-sat-hinh-su-ha-noi-triet-pha-duong-day-mua-ban-noi-tang-tinh-vi-nhat-tu-truoc-toi-nay/786400.antd.
- https://baomoi.com/ha-noi-triet-pha-duong-day-moi-gioi-mua-ban-than-voi-gia-310-trieu-dong-qua/c/28975465.epi
- https://news.zing.vn/nguoi-cam-dau-duong-day-ban-than-lon-nhat-tu-truoc-toi-nay-la-phu-nu-post913525.html.
- Luật số 75/2006/QH11 – Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác của Quốc hội khóa 11, kỳ họp thứ 10, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006.
- Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
- Luật số 100/2015/QH13 – Bộ luật hình sự, ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
- https://www.declarationofistanbul.org/
- Rizvi S, Naqvi SA, Zafar MN, et al, “A renal transplantation model for developing countries”, Am J Transplant 2011; 11: 2302.
- Agarwal SK, et al, “ Evolution of the Transplantation of Human Organ Act and law in India”, Transplantation 2012; 94: 110.
- Gabriel M. Danovitch, et al, “Organ Trafficking and Transplant Tourism: The Role Global Professional Ethical Standards – The 2008 Declaration of Istanbul”, Transplantation 2013;95;1306-1312.
- Philippine Renal Disease Registry, PRDR Annual Report, “Philippine Society of Nephrology and Renal Disease Control Program”, National Kidney and Transplant Institute, Department of Health, 2011.
- Lavee J, et al, “Preliminary marked increase in the national organ donation rate in Israel following implementation of a new organ transplantation law” Am J Transplant 2013; 13: 780).
- Major, Rupert WL (January 2008). "Paying kidney donors: time to follow Iran?". McGill Journal of Medicine : MJM. 11 (1): 67–69.
- Griffin, Anne (March 2007). "Iranian Organ Donation: Kidneys on Demand". British Medical Journal. 334 (7592): 502–05.
- The Meat Market, The Wall Street Journal, Jan. 8, 2010.
- Hippen, Benjamin E. (2008-03-20). "Organ Sales and Moral Travails: Lessons from the Living Kidney Vendor Program in Iran". Cato Institute: Policy Analysis.
- Tober, Diane (2007). "Kidneys and Controversies in the Islamic Republic of Iran: The Case of Organ Sale". Body and Society. 13 (3): 151–70.
- “Có nên hỗ trợ tài chính cho người hiến tạng: một giải pháp sai, giải quyết nhiều vấn đề lớn”, Phạm Gia Khánh, Chủ tịch hội ghép tạng Việt Nam, Hội nghị ghép tạng 10/2018.
- “Những lý lẽ của những người chủ trương và ủng hộ việc mua bán tạng”, Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, Hội nghị ghép tạng 10/2018.
- “Ngăn chặn và phòng ngừa mua bán tạng: một số giải pháp cần làm hiện nay của Việt Nam”, Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, Hội nghị ghép tạng 10/2018.
- “Chia sẻ cái nhìn của truyền thông về hiến tạng nhân đạo cứu người và một vài bất cập cần được quan tâm”, Phạm Ngọc Thanh Tâm, nhà báo VTV, Hội nghị ghép tạng 10/2018.
- “Làm tốt việc hiến tạng dưới góc nhìn của xã hội”, Phạm Hoài Nhơn, nhà báo Tri thức trực tuyến (Zing.vn), Hội nghị ghép tạng 10/2018.
{{val.name_comment}} - {{ actions.formatDate(val.created_at) }}
{{ val.comment_content }}
{{ valChild.name_comment }} - {{ actions.formatDate(valChild.created_at) }}
{{ valChild.comment_content }}