Đây là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tại buổi gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo, đài về điều phối đa tạng từ bệnh nhân chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh.
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại sự kiện
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện 108, Bệnh viện Trung ương Huế, các chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng và đông đảo phóng viên của các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, PGS, TS Đồng Văn Hệ Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, cả nước có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô, tạng. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam còn thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua.
Theo PGS, TS Đồng Văn Hệ, ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50-60%, thậm chí là hơn 90%. Thế nhưng, tại Việt Nam (dân số khoảng 100 triệu dân), mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, thấp nhất thế giới. Nguồn tạng hiến để ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống (chiếm khoảng 95%). Vì vậy, theo PGS, TS Đồng Văn Hệ, triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện có tạng hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển là định hướng của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ với đại biểu
Sau khi đưa vào thí điểm xây dựng mạng lưới bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng, Trung tâm đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng. Trong đó, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là bệnh viện tỉnh chưa ghép tạng đầu tiên thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não.
Cụ thể, ngày 31/3, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí về bệnh nhân D.M.Đ (sinh năm 1988, tỉnh Quảng Ninh) bị chết não sau tai nạn giao thông và gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cử kíp chẩn đoán và xuống Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để hỗ trợ và điều phối mô tạng thành công. Theo đó, 1 tim, 1 tạng thận, 1 phần gan (gan trái) được điều phối tới Bệnh viện trung ương Huế và 1 phần gan (gan phải), 1 tạng thận được điều phối tới Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức; 2 giác mạc được điều phối tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ: Bệnh viện Uông Bí là bệnh viện tỉnh đầu tiên trên cả nước chưa từng ghép tạng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, trực tiếp là Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia nhưng đã triển khai thành công tư vấn gia đình đồng ý hiến, thực hiện chẩn đoán, hồi sức chết não và lấy mô tạng điều phối tới các cơ sở nghép. Riêng trường hợp chết não tại Bệnh viện Uông Bí đã hiến tạng cứu sống 5 bệnh nhân và giúp ích cho nhiều người bệnh khác trên toàn quốc.
Thay mặt cho lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng gửi lời tri ân cám ơn người bệnh và gia đình người bệnh tại Uông Bí, Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hiến mô tạng khi chết não. Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E trung ương, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế Quảng Ninh, Bệnh viện Uông Bí, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, đặc biệt cám ơn đội ngũ hơn 120 bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế đã tham dự trực tiếp trong 3 ngày đêm để thực hiện ca hiến và 5 ca ghép tạng thành công, tạo cột mốc quan trọng cho ngành ghép tạng. Cám ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã lan toả công việc ý nghĩa này tới cộng đồng.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đề nghị Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và một số vụ, cục liên quan triển khai mô hình mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc, với lộ trình phù hợp. Tôi cũng đề nghị các vụ, cục liên quan tham gia xây dựng các chính sách liên quan cho hoạt động tư vấn hiến mô tạng tại các bệnh viện, hoạt động chẩn đoán, hồi sức chết não và thu gom mô tạng, bảo quản, vận chuyển mô tạng…
Qua buổi cung cấp thông tin, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia mong muốn mở rộng mạng lưới tư vấn hiến tạng, gia tăng nguồn tạng hiến, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.