I. Chỉ định ghép thận
1. Suy thận mạn tính
2. Thận có khối u
Các nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính thường gặp gồm có:
– Đái tháo đường
– Tăng huyết áp
– Viêm cầu thận
– Thận đa nang/nhiều nang
– Một số bệnh lý tiết niệu
– Một số nguyên nhân khác
Thông thường việc ghép thận được chỉ định cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối khi mức lọc cầu thận giảm tới 15ml/phút/1,73m2 diện tích da. Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân được ghép thận ở thời điểm đang được lọc máu bằng thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng, tuy nhiên cũng có một số người được ghép sớm hơn, trước khi phải bắt đầu lọc máu.
II. Chống chỉ định của ghép thận
Các tình trạng có thể là chống chỉ định tuyệt đối cho ghép thận gồm:
– Suy tim, các bệnh lý tim mạch nặng như bệnh mạch vành hoặc bệnh mạch ngoại vi
– Suy hô hấp
– Suy gan
– Ung thư tiến triển hoặc đã có di căn
– Các bệnh nhiễm trùng không thể kiểm soát, AIDS
– Phản ứng chéo dương tính
– Tình trạng mang thai
Một số tình trạng là chống chỉ định tương đối, như:
– Cao tuổi, nhất là khi đi kèm với tình trạng bệnh tim, đái tháo đường có biến chứng, béo phì, nghiện thuốc lá, tai biến mạch não…
– Tiền sử mắc bệnh tim
– Béo phì
– Nghiện ma túy
– Có dấu hiệu cho thấy sự không tuân thủ điều trị
– Bệnh tâm thần
– Mắc nhiều bệnh phối hợp phức tạp
Một số tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý cản trở việc ghép thận có thể thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể hoặc chiến lược của từng quốc gia. Một số chính sách hạn chế tuổi của người nhận thận, loại trừ những người có rối loạn ý thức hoặc có bệnh tâm thần, loại trừ những người nghiện ma túy… Những người không có ý thức tuân thủ điều trị dài hạn một cách nghiêm túc cũng có thể bị loại ra khỏi danh sách chờ ghép thận vì đây là một điều kiện bắt buộc đối với sự sống còn của tạng ghép, béo phì có thể bị loại do nguy cơ biến chứng phẫu thuật và nguy cơ tim mạch sau ghép. Bên cạnh các yếu tố về chuyên môn, tình trạng kinh tế và bảo hiểm y tế có thể là một rào cản lớn đối với ghép thận. Sự hợp tác và hỗ trợ của các thành viên trong gia đình cũng là một điều kiện rất quan trọng góp phần vào sự sống còn của tạng ghép. Một số yếu tố khác về địa lý, phương tiện giao thông, các hệ thống hỗ trợ… cần được xem xét đến trước khi chỉ định ghép thận cho bệnh nhân.
Nhiễm HIV là một tình trạng bệnh lý còn gây tranh cãi cho việc ghép thận ở nhiều đơn vị ghép. Có những thời điểm nhiễm HIV được coi là chống chỉ định tuyệt đối cho ghép thận, tuy nhiên gần đây có một số nghiên cứu đề xuất rằng việc sử dụng đồng thời các thuốc ức chế miễn dịch và các thuốc kháng retrovirus có thể có tác dụng hiệp đồng và có tác động có lợi đối với cả số lượng virus và số lượng tế bào CD4, do vậy có thể phòng ngừa được tình trạng thải ghép. Hiện nay tại một số quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ…đã tiến hành ghép thận thành công cho các bệnh nhân bị nhiễm HIV. Ngoài ra việc chỉ định ghép thận đã được mở rộng tới cả những bệnh nhân không hòa hợp nhóm máu ABO.
Ngoài việc ghép thận đơn độc, các trung tâm trên thế giới còn tiến hành ghép đồng thời thận-tụy, thận-gan en bloc cho những bệnh nhân có chỉ định và thu được kết quả khả quan.