“Người mất rồi, tim gan rồi cũng chỉ thành đất”
Sau hơn 1 tuần ca hiến đa tạng diễn ra tại bệnh viện Việt Đức và trái tim của người hiến được ghép cho một bệnh nhân ở Huế, chúng tôi đã đến thăm gia đình người hiến ở thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Ngôi nhà nhỏ nằm khá tách biệt ở cuối thôn, bên cánh đồng và sát khu nghĩa địa. Cha mẹ của anh Nguyễn Ngọc Khiêm (anh Khiêm là người hiến đa tạng) là bà Đinh Thị Thông và ông Nguyễn Thanh Toàn vẫn còn giữ nguyên sự bàng hoàng trước sư ra đi của người con trai mà ông bà đặt bao kỳ vọng. Ông bà sinh được 2 người con, con trai cả bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, còn anh Khiêm là người con còn lại. Anh Khiêm làm đầu bếp cho một nhà hàng cách nhà 30km.
Mẹ anh Khiêm luôn xúc động khi nhắc về con trai mình
Bà Thông nhớ như in, hôm đó con trai bà đi làm như mọi ngày, bỗng buổi chiều hôm đó bà nhận được tin con trai bị ngã giữa đường và đã được đưa vào bệnh viện… Ngay lúc đó, con trai bà đã rơi vào hôn mê…
Anh Khiêm được bệnh viên tỉnh chuyển lên Hà Nội nhưng các bác sỹ cũng đành đầu hàng… Anh rơi vào tình trạng chết não…Gia đình đã quyết định hiến tặng toàn bộ mô/ tạng của anh vừa để anh được sống thêm một lần nữa, vừa để cứu được những người bệnh đang cận kề cái chết khác. Từ quyết định này, gan, 2 thận, 2 giác mạc và tim của anh Khiêm đã cứu chữa được 6 người bệnh nặng đang chờ ghép mô tạng.
Nói về quyết định đặc biệt đó của gia đình, cả bà Thông và ông Toản đều không nguôi xúc động. Khi anh Khiêm chuyển lên Hà Nội điều trị, ông bà phải ở nhà chăm 2 con anh và gia đình người con trai cả. Khi ấy chỉ có chị Hằng là vợ anh Khiêm và anh em con chú – bác túc trực trên bệnh viện. Khi nghe con dâu gọi điện về thông báo tình trạng của con trai không thể qua khỏi và đề cập đến vấn đề hiến tặng mô tạng, ông bà cũng đã trăn trở… nhưng rồi quyết định đồng ý với đề xuất của con dâu. Ông Toản chia sẻ: “Người thì không cứu được nữa rồi, tôi nghĩ nếu đem con về thì tim – gan vài hôm cũng thành đất cả. Cứu được người khác, còn con mình vẫn được sống một phần. Giờ tim nó đập trong lồng ngực khác rồi nhưng đó vẫn là tim con tôi mà!”.
Hoài niệm về người trụ cột gia đình
Bà Thông kể: “Khiêm nó sống tình cảm lắm, lúc nào nó cũng bảo tôi mẹ đừng mặc áo rách nữa, mẹ nhớ ăn nhiều vào cho khỏe, rồi con sẽ lo cho mẹ… Thế mà rồi nó lại đi”.
Anh Nguyễn Ngọc Khiêm
Còn chị Nguyễn Thị Thu Hằng – vợ anh Khiêm – một người vợ quá trẻ dường như vẫn còn chưa đủ bình tĩnh lại sau cái chết của chồng. Chị kể, anh Khiêm chăm chỉ lắm. Ngoài công việc làm tại nhà hàng, anh thường xuyên đi nấu cỗ cưới thuê cho các gia đình. Chính vì vậy, anh thường đi từ 3 -4h sáng cho đến tối khuya mới về. Anh thích trồng hoa nhưng vì thường đi làm về quá muộn nên cứ đến lúc về anh mới lại cùng 2 cô con gái nhỏ (1 cháu 18 tháng và 1 cháu 3 tuổi) cầm đèn pin ra soi hoa để tưới tắm và ngắm thành quả của mình. Chị kể: “Từ hôm bố cháu đi, hoa chẳng còn ai chăm nữa, con gái đầu của em thì nó nhận thức được việc bố mất rồi nhưng con bé thứ 2 còn nhỏ quá, nó vẫn chưa biết việc gì đang xảy ra. Tối nào con cũng bắt phải cầm đèn pin ra soi hoa như bố vẫn làm trước kia…”
Chị Hằng vẫn thường ra vườn chăm bón cho khóm hoa của chồng mình
Anh Khiêm vừa là nhân lực chính trong gia đình nhỏ vừa là chỗ dựa tinh thần của cha mẹ và gia đình người anh trai. Hai vợ chồng vốn sống trong ngôi nhà tình nghĩa mà ông Nguyễn Thanh Toản được các cơ quan đoàn thể giúp đỡ xây dựng. Chị Hằng vốn làm thuê cho 1 xưởng gốm nhỏ trong làng, từ khi chồng gặp hoạn nạn, chị đã phải xin nghỉ việc để chăm sóc chồng trong viện. Và không ngờ, anh đã ra đi mãi mãi. Chị Hằng cho biết, để lo xong việc cho chồng ổn thỏa, chị sẽ tìm công việc khác vì giờ cả gia đình ấy chỉ còn mình chị là khỏe mạnh và đủ sức lao động.
Lời ong tiếng ve và nỗi đau nhân đôi
Cha mẹ, vợ con, người thân thích… của anh Nguyễn Ngọc Khiêm còn đang quá tổn thương với nỗi đau mất đi một người thân thích thì những ngày qua, họ lại phải đối diện thêm một nỗi đau khác, đó là dư luận. Thông tin gia đình hiến mô tạng của anh Khiêm được thêu dệt, nào là “có khi bán được mấy tỉ, nào là “bán tạng con để lấy tiền nuôi cháu”…
Nhắc đến điều này, bà Thông không ngừng rơi nước mắt “Tiền nào mua được mạng sống của con tôi đây? Có cha mẹ nào nỡ bán tim, gan con mình để ăn sung mặc sướng không? Tôi chỉ nghĩ dù sao con mình cũng được sống tiếp và cứu được bao nhiêu người khác…”
Chị Hằng – vợ anh Khiêm cũng cho biết, chị và mọi người trong gia đình cũng nghe rất nhiều thông tin như mẹ chồng mình phải nghe. Chính vì thế, mấy hôm nay, cả nhà chị chẳng còn muốn ra ngoài, có phải đi chợ cũng mua thật nhanh để về… Cả chị và mọi người trong gia đình đều không muốn những nỗi đau của mình bị xoáy sâu thêm…
Tất nhiên, dù phải đối diện những điều tiếng như thế nhưng khi nhận được thông tin các ca ghép đều thành công, những người nhận mô/ tạng của anh Khiêm đều hồi phục nhanh, ông Toản, bà Thông, chị Hằng và những người trong gia đình ấy đều cho biết đó là điều họ thấy được an ủi vì họ tin rằng, trên những cơ thể mới – anh Khiêm vẫn được tiếp tục sống một cuộc đời thứ 2 – anh vẫn hiện hữu cho dù bằng một cách khác những ngày anh từng sống.
Chi Tử