Cách đây vài tháng, chị bất ngờ trở nên nổi tiếng sau khi phát trực tiếp bài hát ” Rứa khi mô anh về” trên tài khoản facebook của mình. Sau sự kiện này, chị mang tiếng hát của mình đi nhiều nơi để quyên tiền cho các bệnh nhân cùng cảnh.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – PGĐ TTĐPGTQG trao thẻ cho chị Hương
Chị Hương tâm sự, trong những ngày tháng điều trị bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, chị thường xuyên đi qua Trung tâm ghép tạng của đơn vị này. Chị vẫn luôn nghĩ “Giá như mình mất đi mà tặng được lại một phần thân thể của mình cho ai đó” cho dù lúc ấy chị đang cho rằng “có lẽ bệnh của mình không thể hiến tặng được mô/ tạng”.
Tuy nhiên, chị Hương vẫn trăn trở mãi về điều đó và khi trở về Quảng Trị, chị quyết định tới Bệnh viện Trung ương Huế để tìm hiểu thông tin. Tại đây, GS. TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp tư vấn cho chị Hương. Sau khi nghe tư vấn của GS Phạm Như Hiệp, chị Hương hiểu rằng dù mình mắc bệnh trọng nhưng vẫn hoàn toàn có thể hiến tặng được một số phần cơ thể sau khi qua đời.
Điều đặc biệt là trong những câu chuyện của mình, chị Hương luôn có người bạn đời bên cạnh động viên, chia sẻ. Anh có mặt trong mọi sự kiện của chị Hương và hoàn toàn ủng hộ các quyết định của vợ.
Chồng chị Hương luôn bên cạnh vợ
Chia sẻ về quyết định sẽ đăng ký hiến tặng mô/ tạng của vợ, anh cho biết, ban đầu gia đình cũng không đồng ý nhưng anh chị đã thuyết phục và cuối cùng các thành viên trong nhà cũng đã đều hiểu ra ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng mô/ tạng. Anh cho rằng, ở Quảng Trị, có rất nhiều thế hệ đã hy sinh xương máu của mình, nhiều người đã mất đi cánh tay, 1 bên chân, một mảnh sọ… Họ vẫn trở thành những người anh hùng trong lòng của cả dân tộc. Vậy tại sao thế hệ của chúng ta hôm nay không thể chia sẻ một phần thân thể của mình với người khác nếu mình phải ra đi?
Nhân dịp hai vợ chồng chị Hương ra Hà Nội, anh đã đưa chị đã tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để ghi tên mình vào danh sách đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/ chết não.