Nam bệnh nhân 18 tuổi, quê ở Chợ Mới, An Giang rơi vào tình trạng chết não do bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để mang lại sự sống cho những người bệnh nặng.
Ngày 22/11/2024, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được thông tin từ bệnh viện Thống Nhất về một bệnh nhân nam Nguyễn P.K, sinh 2006 (18 tuổi), quê ở Chợ Mới, An Giang vào cấp cứu ngày 17/11 do bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màn cứng trong tình trạng hôn mê sâu, Glassgow 3 điểm, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã hồi sức sức và tiến hành đặt nội khí quản. Đồng thời mời hội chẩn khoa khoa Phẫu thuật gây mê hồ sức và ngoại Thần kinh phẫu thuật cấp cứu.
Các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đã tích cực, tận tâm cứu chữa, tuy nhiên do tình trạng bệnh nặng, các bác sĩ đã tiến hành giải thích cho gia đình. Sau khi được giải thích kỹ thì gia đình đã có nghĩa cử rất cao đẹp đó là đồng ý hiến tặng các tạng nhân khi bệnh nhân chết não.
Ngày 23/11/2024, chuyên gia của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã đến cùng với Bệnh viện Thống Nhất tiếp xúc, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình người bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý trong việc hiến mô tạng.
Sáng 24/11/2024, sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, PGS. TS. Lê Đình Thanh Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Các chuyên gia đã thống nhất và quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy lấy tạng vào lúc 10h45 ngày 24/11/2024.
Ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não đã diễn ra thành công, 07 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận. Bao gồm 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 01 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Ban Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã phân công các bộ phận tổ chức hậu sự chu đáo cho người hiến tạng và đưa về an táng tại quê nhà.
Ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm tại nước ta có 10-11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến mô, tạng.
Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024 có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.
Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Đồng Văn Hệ cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.
Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.
Chính vì vậy, theo ông Đồng Văn Hệ, việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó.