Ngày 12/12/2020, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng, nhu cầu và giải pháp tăng cường nguồn tạng hiến tại Việt Nam” tại huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang. GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chủ trì Hội thảo.
Tạo cơ hội công bằng cho các vùng miền tiếp cận về hiến/ ghép tạng
Ban tổ chức cho biết, mục đích của việc tổ chức hội thảo tại một vùng miền núi xa xôi là để tất cả những người dân của cả nước được tiếp cận với vấn đề hiến/ ghép tạng và có những cơ hội được hiến, ghép công bằng với các vùng, miền khác.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Vũ Mạnh Hà Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Trưởng Ban Chăm sóc bảo vệ sức khỏe trung ương, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS Trần Ngọc Sinh – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Niệu Thận học TP.HCM, Trưởng bộ môn Tiết niệu học Trường ĐH Y Dược TP HCM, nguyên Trưởng khoa Ngoại – Tiết niệu BV Chợ Rẫy; ThS. Nguyễn Trọng Khoa – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; ThS. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; TS. Đinh Văn Lượng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; TS. Phùng Duy Hồng Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch và lồng ngực, Trưởng Khoa ngoại tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức; ThS. Đào Đức Dũng – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế GS. Đỗ Kim Sơn – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức; GS. Đỗ Đức Vân – Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Việt Đức; GS. Đặng Hanh Đệ – Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Việt Đức; GS. Bùi Đức Phú – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; BS. Trịnh Thị Lê Trâm – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UV BCH Hội Luật gia Việt Nam; GS. Nguyễn Anh Trí – Nguyên Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; PGS. Hoàng Minh Châu – Chủ tịch Hội nhãn khoa Hà Nội, nguyên PGĐ BV Mắt TW; TS. Dư Thị Ngọc Thu – Nguyên Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng, BV Chợ Rẫy; và đại diện các đơn vị ghép tạng, ngân hàng mô trong cả nước.
Còn nhiều bất cập
Tại Hội thảo, sau phát biểu đề dẫn của GS.TS Trịnh Hồng Sơn, các đại biểu tham dự đã được nghe ý kiến phát biểu của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chăm sóc bảo vệ sức khỏe trung ương, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hội thảo và hoạt động của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trong thời gian vừa qua. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn tạng hiến tặng còn hạn chế, khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, về cơ sở vật chất hay khía cạnh pháp lý của hiến ghép tạng ở Việt Nam, hoạt động của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội vận động hiến mô, tạng quốc gia cùng với sự nỗ lực lâu dài của các thầy thuốc có năng lực, có tâm huyết trong suốt thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực hiến ghép tạng ở Việt Nam, nâng cao uy tín của y học nước nhà ngang tầm với nền y học các nước trong khu vực và quốc tế. Để có thể tiếp nối những thành tựu đã đạt được, phát triển đột phá và cất cánh trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Trung tâm và các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông cho hoạt động hiến ghép tạng; rà soát lại khoảng cách về mặt pháp lý trong lĩnh vực hiến ghép tạng của Việt Nam với thế giới và đưa ra các giải pháp để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý. Đồng thời, có các biện pháp đào tạo nhân lực để bổ sung vào đội ngũ nhân lực còn khiêm tốn so với nhu cầu chung của đất nước; bổ sung trang thiết bị, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho và có cơ chế tài chính phù hợp.
“Hiện trong ngành ghép tạng vẫn chủ yếu dựa vào BHYT và hướng tới tính nhân văn, nhưng về cơ chế thanh toán cho nhân viên y tế thực hiện thì còn bất cập, thu không đủ chi do vậy lâu dài cần có cơ chế tài chính rõ ràng để tạo động lực cho ngành phát triển. 7 năm qua Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình song thời gian tới người dân vẫn kỳ vọng Trung tâm sẽ phát triển lên một tầm cao mới, tạo bước đột phá, đưa ngành Ghép tạng Việt Nam cất cánh”, GS. Nguyễn Thị Kim Tiến nêu.
Nói về công tác hiến, ghép tạng thời gian qua GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép.
Tuy nhiên thực tế, khâu người hiến tặng mô, tạng đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng, nhiều người vẫn không bỏ qua được suy nghĩ lạc hậu.
Tạng ghép ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống, rất ít được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não.
Theo GS. Sơn, việc người cho chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, rào cản đến từ quy định của pháp luật có không ít.
Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sỹ đành bất lực.
“Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam ghép được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là từ người cho chết não. Một con số quá khiêm tốn so với hơn 1.500 ca chấn thương sọ não mỗi năm.
“Mỗi năm chúng ta chỉ vận động được khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Năm 2019 cao nhất cũng chỉ có 20 người cho chết não. Con số này so với các nước châu Âu là quá nhỏ”, GS. Sơn dẫn chứng.
Ngoài ra, theo GS, Sơn, hiện nay Bộ Y tế đã có quy định các bệnh viện phải thành lập hội đồng chẩn đoán chết não, từ đó có thể tận dụng được nguồn tạng từ người cho chết não, song hiện không nhiều cơ sở y tế thực hiện việc này khiến một số nguồn tạng từ người cho chết não bị lãng phí.
Do vậy lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người mong muốn thời gian tới, hội đồng chẩn đoán chết não của các bệnh viện sẽ được thành lập sớm và hoạt động một cách sát sao hơn nữa.
Đề xuất những biện pháp để tăng nguồn hiến tạng thời gian tới theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nên bỏ độ tuổi tối đa được phép hiến tạng mà thay vào đó là quy định nếu bênh nhân có mong muốn và người nhà đồng ý thì chúng ta được phép tiến hành ghép tạng.
Cũng theo ông Phúc, nên quy định độ tuổi được phép hiến từ người cho sống với người có cùng huyết thống là từ đủ 18 tuổi trởi lên, và không cùng huyết thống là từ 30 tuổi trở lên để hạn chế vấn đề thương mại hoá trong công tác ghép tạng.
Về hình thức đăng ký hiến tạng theo ông Phúc không nên bó hẹp mà nên bổ sung thêm các hình thức đăng ký hiến tạng khi cấp bằng lái xe, căn cước, thẻ BHYT…
Các đại biểu dự Hội thảo đã tham luận, góp ý nhiều ý kiến nhằm làm rõ bức tranh về hoạt động hiến ghép tạng của Việt Nam trong thời gian qua, những kiến thức y khoa và thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực ghép tạng và vận động hiến tặng mô, tạng. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng ghi nhận các biện pháp mang tính toàn diện về cả mặt pháp lý cũng như thực tiễn thực hiện có thể áp dụng và triển khai ngay trong giai đoạn tới.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo, đây là những đóng góp quan trọng và rất có ý nghĩa để Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nói riêng và các Trung tâm ghép tạng, các cơ quan lập pháp và các cơ quan tổ chức hữu quan tiếp thu, nghiên cứu và thực hiện trong thời gian tới nhằm đáp ứng được nhu cầu nguồn tạng hiến tặng ở Việt Nam./.