“Tôi không thể giữ anh lại, thì để anh sống theo cách khác” – vợ người đàn ông chết não hiến tạng chồng, trao hy vọng sống cho 7 bệnh nhân.
Chiều 7/4, tại Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, bà Phạm Thị Lan Phương (SN 1979, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) ánh mắt đỏ hoe và giọng nói nghẹn ngào khi vừa mất đi người chồng thân yêu. Nhưng giữa thời điểm mất mát, đau xót ấy, bà đã có nghĩa cử cao đẹp – đồng ý hiến tạng chồng để cứu người khác.

Bà Phạm Thị Lan Phương nghẹn ngào khi nhắc đến người chồng.
Ông N.T.T (SN 1975) – chồng bà Phương – bị đột quỵ do xuất huyết não diện rộng và phù não nặng. Sau nhiều nỗ lực cứu chữa không thành, các bác sĩ xác định ông đã chết não.
“Tôi sốc lắm, không nghĩ mọi thứ lại xảy ra nhanh đến vậy. Anh ấy chỉ than đau đầu, rồi vào tắm… và sau đó thì gục ngã. Bác sĩ nói anh bị đột quỵ do tăng huyết áp đột ngột. Mọi thứ đến quá nhanh, đến mức tôi không kịp trở tay…”, bà Phương nghẹn ngào.
Khi các bác sĩ xác định chồng bà đã chết não, thế giới như sụp đổ. Sau vài giờ lặng đi trong nước mắt, bà nhớ đến một điều – một lời hứa, một nguyện vọng của chồng.
“Vợ chồng tôi từng nói với nhau rằng, nếu sau này chẳng may có chuyện gì, cơ thể mình nếu còn dùng được thì hãy để lại cho y học, cho người khác có cơ hội sống tiếp. Tôi nhớ lời anh và tôi tin, đó là điều anh thực sự mong muốn”, bà Phương chia sẻ.

Các y bác sĩ động viên bà Phương.
Với quyết định dũng cảm ấy, ca lấy – ghép đa mô tạng đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Quân y 175 diễn ra vào chiều 7/4, giữa kỳ nghỉ lễ. Gần 100 y, bác sĩ và kỹ thuật viên từ các bệnh viện tuyến đầu như Trung ương Quân đội 108, Nhi đồng 2 TP.HCM, Trung ương Huế đã cùng phối hợp triển khai quy trình hiến, lấy, vận chuyển và ghép tạng.
Ca phẫu thuật trang nghiêm bắt đầu bằng nghi thức mặc niệm, như một lời tri ân, cảm tạ với người đã ra đi đã kịp trao lại cho đời món quà quý giá nhất.
Hai quả thận, gan (chia làm 2 thùy), tim và hai giác mạc được lấy ra thành công. Ngay sau đó, dưới sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng CSGT TP.HCM và Vietnam Airlines, các tạng được vận chuyển khẩn cấp tới các bệnh viện tiếp nhận.

Các y bác sĩ cúi đầu tri ân ông N.T.T.
2h sáng 8/4, 7 ca ghép đã hoàn tất, 7 con người, trong đó có một bệnh nhi, được trao thêm một cơ hội sống.
Bà Phương không biết chính xác những ai đã nhận được phần tạng của chồng mình. Nhưng bà tin, ở đâu đó trên cuộc đời này, những phần cơ thể khỏe mạnh của ông vẫn đang tiếp tục phụng sự sự sống.
“Chồng tôi ra đi, nhưng sự sống của anh vẫn đang tiếp tục trong cơ thể của nhiều người khác.Tôi nghĩ, nếu mình cứ ôm lấy nỗi đau, thì sẽ chẳng thay đổi được điều gì. Nhưng nếu có thể trao đi, thì ít nhất nỗi đau ấy cũng mang theo một ý nghĩa. Đó là cách duy nhất tôi có thể giữ anh lại, theo một hình thức khác.
Tôi không dám khuyên ai, vì mỗi người có quan niệm riêng. Nhưng với tôi, hiến tạng là nghĩa cử đẹp. Chồng tôi nhân hậu, sống tử tế. Tôi tin, anh sẽ mỉm cười khi biết anh đã kịp giúp nhiều người khác tiếp tục sống”, bà Phương nói.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật.
Bà Phương cho rằng, chồng bà một người đàn ông khỏe mạnh, không rượu bia, không thuốc lá, nhưng thường xuyên làm việc quá sức và ít khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, có lẽ đây là lý do đằng sau sự ra đi bất ngờ của chồng.
“Tôi chỉ mong mọi người quan tâm đến sức khỏe bản thân. Đừng để đến lúc quá muộn rồi mới thấy hối tiếc. Và nếu có thể, hãy nghĩ đến việc hiến tạng, như một cách tiếp nối yêu thương”, bà Phương nói.
Bước ngoặt của Bệnh viện Quân y 175
Với thành công của ca ghép thận đầu tiên từ nguồn tạng hiến sau chết não được lấy tại chỗ, Bệnh viện Quân y 175 đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong hành trình phát triển kỹ thuật cao. Đây là lần đầu tiên toàn bộ quy trình từ tiếp nhận người hiến, xác định chết não, lấy và ghép tạng được khép kín ngay tại bệnh viện.
Thiếu tướng, TS.BS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, dù là ngày nghỉ, nhưng gần 100 nhân viên y tế vẫn gác lại tất cả để cùng tham gia cứu người. Những tạng hiến đã đến kịp tay các bệnh nhân nặng, mang lại cho họ một cơ hội sống mới.
Theo ông Việt, Bệnh viện Quân y 175 đã đồng hành cùng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM và Bệnh viện Trung ương Huế trong một hành trình rất đặc biệt, khi được gia đình người bệnh đồng ý hiến tạng.
“Những tạng hiến này vô cùng quan trọng và quý giá, giúp chúng tôi kịp thời thực hiện các ca ghép cho những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ đợi sự sống tại các bệnh viện. Hiến tạng không chỉ là hành động y học, đó là câu chuyện của lòng nhân ái của người dân, của những người dũng cảm sẵn sàng hiến một phần cơ thể mình để cứu sống người khác”, ông Việt nói.
Ông Việt cũng cho rằng, bệnh viện cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ lĩnh vực ghép tạng trong thời gian tới, hướng tới trở thành trung tâm uy tín về hồi sức – ghép tạng tại khu vực phía Nam. Song song, công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng về hiến mô, tạng sau chết não sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, lan tỏa những thông điệp nhân văn, khơi gợi tinh thần cho, nhận, chia sẻ giữa người với người.