Ngày 23/12, trong Lễ ra mắt Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam bộ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người nghệ sĩ có cặp kính dày cuộm, giọng nói run run xúc động: “Tôi sống lại lần thứ hai nhờ được ghép thận” đó là nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn
Năm 2006, khi đang lưu diễn ở châu Âu bác sĩ thông báo nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn bị suy hai quả thận, vì không có bảo hiểm ở châu Âu anh phải về Việt Nam lọc máu.
Giờ đây cuộc sống của anh trở lại bình thường như bao người khác, anh lạị là chính mình, được thổi hồn vào những bản nhạc saxophone du dương như tính cách, con người anh.
Trong khuôn viên Lễ thành lập Chi hội, những bản nhạc saxophone anh thổi để lại cảm xúc lẫn lộn người nghe với những nốt nhạc thăm trầm, bản nhạc đã dứt nhưng hội trường vẫn lặng thinh đắm chìm trong cung bậc cảm xúc của người nghe.
Tay không còn khỏe mạnh như trước (sau lần đột quỵ) nhưng sức sống con người anh vẫn tràn đầy nhựa sống.
Anh tâm sự: “Tôi dùng tiếng đàn để lan tỏa nghĩa cử nhân văn, nhân ái tới toàn thể mọi người, Tôi được hồi sinh nhờ những tấm lòng của người thân, người thầy thuốc và xin cho tôi được gọi những y bác sĩ là người thầy kính yêu, chúng ta nên trân trọng sức khỏe và khi sự sống không còn chúng ta hãy hiến mô, tạng để cứu giúp những bệnh nhân khác…”.
Việc hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc làm nhân nghĩa, rất cần được lan tỏa nghĩa cử yêu thương. Một người sau khi chết nếu gia đình đồng ý hiến có thể cứu sống 6 – 8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người.
Với tinh thần “Cho đi là còn mãi”, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tích cực phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước đã có 36 ca đồng ý hiến tạng khi sự sống không còn, đây là con số kỷ lục của Việt Nam.
Hy vọng rằng, bước sang năm 2025 nhiều bệnh nhân bị mắc suy mô, tạng khác sẽ được ghép từ “tấm lòng vàng” của người cho chết não với tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam “Thương người như thể thương thân”.