Trong số những người tham dự sự kiện tại hội trường, người gây chú ý nhất trong hàng ghế đại biểu với tôi là anh P.Q.H (42 tuổi, Phú Thọ), anh luôn lau nước mắt khi nghĩ về người chú P.V.G (sinh năm 1992) của mình không may bị tai nạn, rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng.
Người nhà cố bệnh nhân G
Là người thay mặt gia đình đồng hành suốt chặng đường cố bệnh nhân P.V.G gặp tai nạn và rơi vào tình trạng chết não. Anh H tâm sự: “Khi xảy ra tai nạn, gia đình đã chuyển chú lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để níu kéo sự sống. Thấy tiên lượng xấu, chú có dấu hiệu rơi vào tình trạng chết não, bệnh viện đã giải thích tình hình bệnh nhân và tư vấn nếu chú không qua khỏi hy vọng gia đình mở lòng hiến tạng để cứu bệnh nhân khác. Gia đình không chấp nhận xin đưa chú về”.
Ngập ngừng một lúc anh tâm sự tiếp: “Trước đó tôi đã nghe thông tin về hiến mô, tạng để cứu giúp người. Về tới nhà, Gia đình đã bàn và thống nhất sẽ hiến mô, tạng chú nếu chú không qua khỏi. Tôi liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để nghe cán bộ tư vấn, được cán bộ của Trung tâm hướng dẫn kết nối với tư vấn viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về đón chú để tiếp tục điều trị. Dù mọi người đã chuẩn bị tinh thần trường hợp xấu nhất xảy ra, nhưng khi nghe bác sĩ nói với gia đình tình hình bệnh nặng, không qua khỏi. Khi nói tới đây tâm trạng tôi và các thành viên trong gia đình đều sốc”. Tôi ra ngoài để lấy lại tinh thần và thực hiện di nguyện của gia đình đã thống nhất hiến mô, tạng của chú G để cứu nhiều bệnh nhân khác, đây là việc làm ý nghĩa nhất trước khi chú qua đời. Nhưng việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý phải để bà Ng.T.T (mẹ của chú) thực hiện theo quy định.
Qua tìm hiểu tôi biết hơn về gia đình cố bệnh nhân. Được biết, cố bệnh nhân P.V.G là con trai duy nhất trong gia đình, chị gái đã lấy chồng. Anh G sinh được hai người con, cháu lớn 5 tuổi, cháu thứ hai 3 tuổi (vợ chồng không ở cùng nhau). Tôi hình dung cuộc sống các cháu còn quá nhỏ chưa nhận thức được sự mất mát quá lớn đối với mình, con đường trước mắt của hai cháu giờ thiếu đi hơi ấm, sự chỉ dậy, dẫn dắt của bố, người quan trọng nhất trong suốt cuộc đời.
Bà Ng.T.T tâm sự: “Tuổi già tôi hy vọng được lương tựa vào con, giờ không may cháu xảy ra tai nạn không còn nữa, giờ mỗi lần nhìn thấy hai cháu nội tôi lại thương cháu nhiều hơn. Chúng nó còn quá nhỏ vẫn chưa hiểu hết. Mỗi khi nhớ bố, các cháu lại quay sang hỏi bà ơi bố cháu đâu? cháu lại chỉ vào ảnh thờ nói bố kia, mỗi lần như vậy, gia đình lại nói khéo để các cháu không buồn, không khóc…” nói rồi bà và anh H quay mặt lau hàng nước mắt.
Gạt đi những giọt nước mắt, bà tâm sự thêm: “Khi nghe tin con tôi không qua khỏi, tôi được mọi người chia sẻ việc hiến mô, tạng. Nói thật tôi chỉ biết làm ruộng chả hiểu gì việc này, nhưng khi các cháu và cô con gái phân tích hiến tặng là mình hiến các bộ phận cơ thể người con mình (anh G) còn khỏe mạnh hiến cho y học để ghép cho bệnh nhân suy mô, tạng khác. Lúc đó tôi nhất trí và hiểu rằng hiến tặng là tôi đang gửi bộ phận tim, gan các thứ con tôi cho người khác, tôi cảm nhận con tôi vẫn còn sống. Lúc đầu, một số người trong gia đình không đồng ý việc này, nhưng nghe tư vấn từ nhiều người mọi người đồng lòng ủng hộ”.
Cuộc nói chuyện giữa tôi và bà T, anh H đôi lúc bị gián đoạn vì cảm xúc của họ dâng trào, tiếng nấc nghẹn ngào khi nghĩ về người thân xấu số của mình, con đường tương tai của hai cháu sẽ ra sao khi bố cháu không còn. Công việc chính của họ làm ruộng…những suy nghĩ bộn bề đang bủa vây tương lai của các cháu. Để phá tan không gian tĩnh lặng đó, anh P.Q.H tâm sự thêm: “Giờ tôi chỉ mong những người được ghép từ bộ phận chú tôi khỏe mạnh, có cuộc sống thiện lành đó là điều tôi mong nhất. Có như vậy chú tôi ở nơi rất xa mới mỉm cười mãn nguyện…”
Chia tay họ trong không gian tĩnh lặng, Hà Nội lại lất phất mưa, những hạt mưa bụi cũng làm người ướt áo. Hôm đó Bộ Y tế tổ chức tri ân và trao tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho hai gia đình. Có lẽ đối với họ lúc này, trái tim, lá gan, thận…của con em mình, cha chú của mình được sống khỏe mạnh trên thân thể người khác đó là món quà lớn nhất đối với họ. Và với chúng tôi, rất mong xã hội cần chung tay giúp đỡ những bệnh nhân đang bị suy mô, tạng cần phải ghép. Cần lắm những tấm lòng như gia đình như ông K, bà T và các gia đình không may có người thân chết não hãy mở lòng để giúp đỡ những bệnh nhân khác. Để chúng tôi viết tiếp câu chuyện cổ tích trong cuộc sống giữa đời thường: Cho đi là còn mãi.