QUYẾT ĐỊNH
Ban hành “Quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự
đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Điều 23, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Điều trị – Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Chánh thanh tra, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hiệu trưởng các trường Đại học Y, Đại học Y- Dược và Cao đẳng Y; Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Nguyễn Thị Xuyên
QUY ĐỊNH
Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự
đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2007/QĐ-BYT
ngày 5 tháng 10 năm 2007của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác người hiến là các cơ sở nghiên cứu, đào tạo bao gồm các Trường Đại học Y, Đại học Y- Dược,Viện Pháp y quốc gia, các cơ sở nghiên cứu y học và các trường Cao đẳng Y có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự theo quy định.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Cơ sở vật chất
Cơ sở nhận xác và bảo quản xác người hiến phải được xây dựng kiên cố, có cổng và sân đủ rộng để xe ô tô ra vào thuận tiện; có hệ thống các phòng theo quy trình khép kín, đủ ánh sáng điện, hệ thống nước sinh hoạt, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống thông gió, điều hoà nhiệt độ, cửa chắc chắn; sàn nhà, tường được ốp gạch men hoặc vật liệu chống thấm bảo đảm vệ sinh vô trùng, chống xâm nhập của côn trùng, loài gặm nhấm.
Cơ sở nhận xác và bảo quản xác người hiến tối thiểu phải có các khu vực sau để thực hiện các chức năng phù hợp, gồm:
a) Khu hành chính: để làm các công việc hành chính, đón khách tiếp khách, thường trực, trưng bày các hình ảnh, giới thiệu, tuyên truyền, bảo quản các hồ sơ, giấy tờ;
b) Khu tiếp nhận, vệ sinh xác: để tiếp nhận ban đầu và vệ sinh xác trước khi đưa vào phòng bảo quản xác;
c) Khu bảo quản xác, nghiên cứu và đào tạo: gồm các phòng để thực hiện các chức năng bảo quản xác, phẫu tích, trưng bày các mẫu vật, nghiên cứu, giảng dạy. Phòng bảo quản xác phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– Phòng kín, hệ thống thông khí hiện đại nhằm giảm bớt mùi hôi, mùi các hoá chất, phòng có diện tích đủ rộng tối thiểu cho 10 xác ướp riêng biệt;
– Cửa vào, cửa ra và lối đi lại rộng rãi thuận tiện cho việc vận chuyển, kiểm tra xác và phục vụ việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu…
– Đủ chỗ đặt các bể, bình, lọ chứa để bảo quản xác nguyên và các bể chứa bộ phận cơ thể người (phù hợp việc bảo quản và đào tạo, nghiên cứu);
d) Khu khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn và nhà kho:
Bảo đảm chức năng rửa, khử nhiễm dụng cụ liên quan bảo quản xác và bộ phận cơ thể, kho để cất giữ dụng cụ, hoá chất liên quan; tiêu huỷ bộ phận xác, rác thải theo quy định xử lý chất thải y tế của Bộ Y tế.
đ) Khu tưởng niệm (tưởng niệm những người đã hiến xác)
– Phòng đủ rộng để có nơi để di ảnh, thắp hương và làm các thủ tục cần thiết để thăm viếng, tưởng niệm người chết phù hợp theo phong tục, tập quán của người Việt Nam;
– Có chỗ để các ghế ngồi phục vụ cho người thăm viếng.
e) Khu vệ sinh (phục vụ việc vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, giặt là, hấp sấy quần áo, vệ sinh dụng cụ).
2. Trang thiết bị
Cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác người hiến phải bảo đảm các trang thiết bị sau:
a) Điện thoại đường dây nóng (thường trực 24/ 24 giờ);
b) Bàn ghế làm việc hành chính, tiếp khách, tủ đựng hồ sơ, tài liệu;
c) Bộ máy vi tính, máy in màu, Projector;
d) Máy quay phim, máy chụp ảnh, máy ghi âm, âm ly, micro, loa;
đ) Các túi chuyên dụng chứa xác;
e) Tủ lạnh chuyên dụng để ướp xác;
g) Hòm inox để chứa xác;
h) Các loại bể, bình, lọ chứa để bảo quản xác nguyên và các bể chứa bộ phận cơ thể người (phù hợp việc bảo quản và đào tạo, nghiên cứu);
i) Bàn mổ, đèn mổ;
j) Xe đẩy, xe dựng dụng mổ, băng ca đẩy;
k) Các dụng cụ phẫu tích cần thiết;
l) Cân xác, cân phủ tạng;
m) Bàn để trình bày các bộ phận khi giảng dạy;
n) Bàn ghế cho người giảng, người học;
o) Tủ kính, giá trình bày tiêu bản bộ phận cơ thể người;
p) Hoá chất phục vụ cho ướp xác, bảo quản xác, bảo quản các tạng rời hoặc nhuộm màu phục vụ học tập;
q) Máy giặt, nồi điện hấp quần áo cho nhân viên;
r) Máy sấy tiệt trùng dụng cụ;
s) Xe ô tô chở xác chuyên dụng (hoặc có hợp đồng với cơ quan chuyên môn khác) có bộ phận bảo quản lạnh;
t) Xe ô tô (để công tác hoặc đưa đón thân nhân người hiến xác khi cần thiết).
Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế ở mỗi cơ sở, thủ trưởng đơn vị có thể bổ sung các trang thiết bị khác cho phù hợp .
3. Nhân sự
Cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác người hiến tối thiểu phải bảo đảm nhân sự như sau:
a) Bác sĩ chuyên khoa cơ thể học giải phẫu hoặc giải phẫu bệnh hoặc y pháp: làm công tác nghiên cứu, đào tạo;
b) Kỹ thuật viên: phục vụ việc tiếp nhận, bảo quản, phẫu tích và trình bày tiêu bản;
c) Y công: phục vụ việc tiếp nhận xác và bảo quản xác;
d) Cán bộ hành chính: làm công tác hành chính;
Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế ở mỗi cơ sở, thủ trưởng đơn vị có thể bổ sung các chức danh khác./.
BỘ Y TẾ
Số: 35/2007/QĐ-BYT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2007 |