Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tích cực phối hợp với các đơn vị trên cả nước để vận động các gia đình có người thân không may chết não hiến mô, tạng giúp đỡ các bệnh nhân suy mô, tạng đang mòi mỏi kéo dài sự sống. Đặc biệt, Trung tâm tập trung chủ yếu vào các Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh để phát triển mạng lưới tư vấn viên về vận động hiến mô tạng sau chết/chết não. Nối tiếp những thành công tại các khóa tập huấn miền Bắc và miền Nam, trong thời gian từ ngày 11 – 14/12, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hai khóa đào tạo Chương trình chẩn đoán và hồi sức chết não và Đào tạo tư vấn viên vận động hiến tạng sau chết/chết não khu vực miền Trung cho 80 học viên (40 học viên tư vấn, 40 học viên chẩn đoán và hồi sức chết não) là bác sỹ, điều dưỡng đến từ các bệnh viện khu vực Tây Nguyên và miền Trung đang làm tại các khoa có máy thở.
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm phát biểu ý kiến
Như chúng ta đã biết, chết não hoàn toàn không thể sống lại được. Một người không may rơi vào tình trạng chết não nếu gia đình đồng ý hiến có thể cứu 6 – 8 người bị suy mô tạng, cải thiện sức khỏe cho vài chục người. Nhìn lại hơn 10 năm việc lấy tạng từ người cho chết não. Đến nay, số lượng người chết não hiến tạng tại Việt Nam còn hạn chế. Trong khi đó, hàng tuần trên cả nước vẫn còn hàng trăm bệnh nhân chết não hoặc chết não tiềm năng chưa được tiếp cận, gây sự lãng phí nguồn tạng tiềm năng lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng “khan hiếm” nguồn hiến tạng từ người chết não đến từ rào cản quan điểm xã hội, quan điểm tôn giáo…và sự quan tâm vào cuộc tại các cơ sở khám bệnh chưa được quyết liệt, đồng nhất, hỗ trợ lẫn nhau, việc phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng còn xem nhẹ, việc tư vấn, vận động hiến mô, tạng đối với bệnh nhân chết não, chết tim còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.
TS. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ bài giảng với học viên
Hiện nay, dù Việt Nam đã ghép được các tạng nhưng nguồn tạng chủ yếu được lấy từ người hiến sống, việc này đi ngược với một số nước trên thế giới vì nguồn tạng hiến từ người chết não rất hiếm. Trong khi đó, hàng ngày trên cả nước có hàng trăm bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não. Chính điều này đang đặt ra vấn đề trong công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại khoa có bệnh nhân chết não, chết tim (khoa có máy thở) rất cần thiết, cũng như việc thiết lập mạng lưới tư vấn viên được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng mềm và tâm lý để thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người bệnh/ bệnh nhân chết não tiềm năng. Chính vì vậy, việc xây dựng mạng lưới tư vấn, phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng tại đơn vị hoạt động theo tính đồng nhất góp phần thúc đẩy nguồn tạng hiến, giúp đỡ các bệnh nhân đang chờ ghép khác.
Tham gia tập huấn, các học viên được nghe chia sẻ từ PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, TS. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia; GS.TS Nguyễn Quốc Kính, TS Hồ Văn Linh. TS Ninh Việt Khải, TS Nguyễn Tất Dũng… đến từ Bệnh Viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các báo cáo viên đại diện các Phòng của Trung tâm trình bày về Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; những vấn đề liên quan tới hiến mô, tạng từ người chết não; Chẩn đoán bệnh nhân chết não; Vai trò của bác sỹ hồi sức trong hiến tạng từ người chết não; cách thuyết phục gia đình người bệnh chết não tiềm năng…
Phát hiện, và tư vấn tới gia đình có người thân chết não/chết não tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành ghép tạng Việt Nam. Các khóa đào tạo trước đó đã mạng lại hiệu quả tích cực, số lượng người chết não được gia đình đồng ý hiến cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Chính vì vậy. Qua các lớp tập huấn giúp các học viên nâng cao kiến thức chuyên môn trong công tác vận động, hiến mô tạng sau chết/chết não. Qua đó góp phần mở ra cơ hội trong điều trị nối dài sự sống cho người bệnh chờ được ghép, tiếp thêm hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó cũng nhằm phát triển mạng lưới tư vấn viên và gia tăng tỷ lệ hiến mô, tạng sau chết/chết não trên địa bàn cả nước trong thời gian tới.
Một số hình ảnh liên quan tới tập huấn
Và chụp hình lưu niệm với các học viên