Ngày 07/01, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức Hội nghị “Tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não 2024 và định hướng phát triển năm 2025”. Đây được coi là cột mốc quan trong trong việc phát triển nguồn tạng hiến mà trong thời gian qua Trung tâm đã xây dựng và phát triển.
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau chết. Năm 2024, Việt Nam có 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm 13% trong tổng số ca ghép tạng/năm. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.
Để đạt được số ca hiến gọi là kỷ lục, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Ngày 19/5/2024, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia Lễ Phát động: “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức, sự kiện đã lan tỏa lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham dự.
Song song với đó, ngày 17/5/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có thư phát động đăng ký hiến tăng mô, tạng trong ngành y tế. Từ đó nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động đăng ký hiến tặng, mô tạng tại bệnh viện.
Bộ còn quan tâm, chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tập trung đào tạo các bệnh viện để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng. Việc này trước đây chưa được nhấn mạnh, bây giờ cần quan tâm những hoạt động đó, cần được coi là thường quy, một nét văn hóa, gọi là văn hóa hiến tạng tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ với Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận người Việt Nam trong việc tuyên truyền, đào tạo, thành lập Chi Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại bệnh viện. Từ những yếu tố đó đã cấu thành số lượng người hiến sau chết kỷ lục như vậy.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Ba năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân, tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp.
Thực hiện lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động, với tinh thần “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hi vọng – Gieo mầm sự sống” vì “Cho đi là còn mãi”, trong năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ra đời, không chỉ ở các cơ sở y tế công lập mà các cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia vô cùng mạnh mẽ.
Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó, và con số thực tế ghi nhận được trong năm 2024, số người bệnh hiến tạng sau chết là 41 ca, đây là con số kỷ lục của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại…
Bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn đó những tồn tại, khó khăn. Đó là vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Hiện nay trên cả nước chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp…
Đứng trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững…Đồng thời, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia khẩn trương đề xuất với các cấp có thẩm quyền chọn một ngày là Ngày Hiến mô tạng Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dưới sự hướng dẫn của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, bám sát các đơn vị liên quan, sớm hoàn thiện việc bàn giao, chuyển trụ sở của Trung tâm về số 41 Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đăng ký, danh sách chờ ghép, tuân thủ các nguyên tắc điều phối đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch…
Từ kinh nghiệm của các năm trước. Để nguồn tạng hiến tăng nhiều trong thời gian tới rất cần có sự ủng hộ mạnh từ 3 phía:
Thứ nhất là sự ủng hộ của cả cộng đồng xã hội; Thứ hai là sự vào cuộc của ngành y tế, đặc biệt sự quyết liệt từ phía bệnh viện vì nơi đây tập trung vào bệnh nhân chết não tiềm năng. Các bệnh viện cần phát hiện bệnh nhân có nguy cơ chết não tiềm năng để tiếp cận tới gia đình, từng bước thực hiện tư vấn. Thứ ba là sự ủng hộ của hệ thống pháp luật. |
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia: “ Kết quả đạt được số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau chết năm 2024 là sự ủng hộ rất lớn từ Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế đã phối hợp với Trung tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, phát hiện tư vấn bệnh nhân chết não tiềm năng; sự vào cuộc của đơn vị báo, đài đẩy mạnh công tác truyền thông về nghĩa cử hiến tặng mô, tạng của các bệnh sau chết.
Bước sang năm 2025, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh mổ rộng đào tạo tại các bệnh viện; tiếp tục phối hợp với cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa hiến tặng mô, tạng sau chết…