Sáng ngày 4/4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức chương trình can thiệp Tư vấn hiến mô, tạng và tăng tỷ lệ hiến mô, tạng từ người chết não tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh chương trình.
Dự và chỉ đạo có đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh. Về phía Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm cùng các chuyên gia.
Chương trình có sự tham gia của BS.CKII Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế cùng các bác sĩ, nhân viên y tế tham gia trong mạng lưới hiến ghép tạng trong toàn ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người dân, ngành y tế Quảng Ninh hiện có 2 cơ sở y tế được Bộ Y tế thẩm định đủ điều kiện triển khai kỹ thuật ghép thận là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển – Uông Bí. Với hy vọng triển khai kỹ thuật hiệu quả, lâu dài, các đơn vị trong ngành luôn nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tư vấn vận động hiến mô, tạng ở người sau chết/chết não nhằm thực hiện mục tiêu gia tăng tỷ lệ nguồn hiến từ người cho chết não, tạo nguồn tạng ghép bền vững, giúp mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn bị suy mô tạng giai đoạn cuối.
Thông qua chương trình, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh mong muốn các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác truyền thông, vận động, nâng cao năng lực tư vấn và triển khai hiệu quả quy trình tiếp nhận, điều phối mô, tạng để cứu sống nhiều người bệnh. Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.
Gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế, PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đánh giá: Quảng Ninh là tỉnh có hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ giữa các tuyến trong toàn tỉnh. Đây là cơ sở để Trung tâm lựa chọn Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình can thiệp “Tư vấn hiến mô, tạng và tăng tỉ lệ hiến mô, tạng từ người chết não” tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Chương trình với mục tiêu nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng; đồng thời nâng cao hiệu quả tư vấn hiến mô, tạng cho người bệnh và gia đình tại các cơ sở y tế.
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phát biểu tại Chương trình.
Năm 2024 đã ghi nhận kết quả vượt bậc khi có tới 41 ca hiến mô, tạng từ người chết não – con số này vượt tổng số ca của cả ba năm trước cộng lại. Tỷ lệ tạng hiến từ người chết não đạt 12,9%, cho thấy hiệu quả rõ rệt của công tác vận động và tư vấn. Để làm được điều này, PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh: Quảng Ninh cần có chiến lược tăng nguồn tạng hiến từ người chết não thông qua việc ra Quyết định thành lập các đơn vị tư vấn hiến tại các cơ sở y tế; ban hành quy trình hoạt động cụ thể, xác định chức năng nhiệm vụ, lập kế hoạch và triển khai hoạt động. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia và các bệnh viện ghép để đánh giá, báo cáo định kỳ về các ca chết não tiềm năng.
Đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện – với vai trò là bệnh viện hiến sẽ là nơi đầu tiên tiếp cận ca chết não tiềm năng, có trách nhiệm phát hiện, tiếp cận hồ sơ bệnh án, tư vấn cho gia đình và chuyển tiếp đến bệnh viện tuyến tỉnh – nơi có vai trò là bệnh viện ghép. Mô hình phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh sẽ là mắt xích quan trọng trong mạng lưới hiến, ghép tạng, góp phần tăng nguồn tạng hiến và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của hoạt động ghép tạng tại địa phương.
Chương trình cũng lắng nghe phần trao đổi của ThS. Phạm Thị Đào, chuyên gia của Trung tâm về nội dung triển khai quản lý người bệnh chết não hiến mô, tạng tại Quảng Ninh.
Trong khuôn khổ chương trình, Phó Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ về mô hình vận động hiến ghép tạng đang triển khai hiệu quả tại một số địa phương qua thời gian học tập kinh nghiệm, từ đó cùng thảo luận, rút ra bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện thực tế tại Quảng Ninh. Đồng thời, các chuyên gia đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc từ lãnh đạo các đơn vị y tế trong tỉnh và thành viên tổ tư vấn xoay quanh các vấn đề như: quy trình tiếp nhận, tư vấn và điều phối tạng, các yếu tố tâm lý, truyền thống, pháp lý liên quan đến hiến tạng… qua đó giúp đội ngũ cán bộ y tế được trang bị kiến thức bài bản, chuyên sâu, hỗ trợ truyền tải thông tin đúng đắn và đầy đủ đến cộng đồng.
Các bác sĩ đã tham gia trao đổi ý kiến tại chương trình.
Chương trình kết thúc với tinh thần quyết tâm cao cùng cam kết hành động từ tất cả đơn vị y tế trên địa bàn, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức, lan tỏa ý nghĩa của việc hiến mô, tạng, từ đó thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô tạng và mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân suy mô tạng giai đoạn cuối./.